1. Cấu tạo dây chằng đầu gối
Vùng đầu gối là một hệ thống kết cấu phức tạp và tương đối lớn. Các xương đầu gối được kết nối với nhau bằng hệ thống 2 nhóm dây chằng, giúp giữ cho hệ thống các xương khớp gối vững chắc, không bị tách rời khi đi lại và chạy nhảy:
- Hệ thống dây chằng bên: Nằm ở ngoài khớp gối, bao gồm dây chằng bên trong (bên chày) và bên ngoài (bên mác), có nhiệm vụ giữ cho khớp gối ổn định khi chuyển động xoay, hoặc xoắn vặn.
- Hệ thống dây chằng chéo: Nằm ở trong khớp gối, bao gồm dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. 2 dây chằng này bắt chéo với nhau, tạo thành hình chữ X, kết chặt các xương khớp ở vùng đầu gối, giúp chúng không bị trượt ra trước hay ra sau quá mức.
2. Hiện tượng đứt dây chằng chéo khớp gối
2.1. Đứt dây chằng chéo sau
Chấn thương đứt dây chằng chéo sau mặc dù ít phổ biến, nhưng có thể xảy trong một số tình huống. Trong đó, đa phần là do một lực tác động trực tiếp lên đầu gối từ trước ra sau, đẩy mạnh cẳng chân về phía sau, khiến cho dây chằng căng quá mức và bị đứt (thường gặp đối với tai nạn xe hơi hoặc xe máy do thắng quá gấp, hoặc khi bị tông thẳng vào đầu gối từ phía trước).
2.2. Đứt dây chằng chéo trước gối
Đứt dây chằng chéo trước là loại tổn thương hay gặp nhất trong các loại Chấn thương khớp gối. Tình huống khiến cho dây chằng chéo trước bị đứt có thể là do:
- Chấn thương trực tiếp: Va chạm thẳng vào mặt trước đầu gối khi bị tai nạn, khi cản bóng.
- Chấn thương gián tiếp: Thường gặp khi tập thể dục cường độ mạnh, chơi thể thao di chuyển quá gấp. Ví dụ như: Đang chạy mà dừng đột ngột, xoay người quá nhanh trong khi chân giữ nguyên, cú nhảy quá cao tiếp đất không an toàn...
Tình trạng đứt dây chằng trước gối gây ra sự mất cân bằng trước sau và mất cân bằng xoay của khớp gối. Điều này dẫn đến nhiều phiền toái cho người bệnh:
- Cảm giác chân yếu hẳn khi đi bộ, chạy nhảy
- Khó chịu khi chạy nhanh, khi thay đổi hướng đi đột ngột
- Khó khăn mỗi khi đi xuống dốc hoặc xuống cầu thang
- Đau đớn mỗi khi tiếp đất bằng chân bị chấn thương, nhất là trong các động tác tương tự như nhảy lò cò một chân
- Dễ bị té ngã khi cố gắng thực hiện các động tác thể lực
Người bệnh như bị mất đi một phần chức năng của chân, thậm chí phải tạm ngưng thi đấu, ngừng chơi thể thao một thời gian dài để tập trung điều trị. Đứt dây chằng chéo trước bao lâu thì lành còn tùy vào thời điểm phát hiện, chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị đúng đắn.
3. Đứt dây chằng chéo trước bao lâu thì lành?
Theo BS.CK1 Nguyễn Đức Hòa - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, khi bị đứt dây chằng chéo khớp gối, nếu bệnh nhân được mổ đúng kỹ thuật và chịu khó tập Vật lý trị liệu thì khả năng lành bệnh không quá 8 tháng là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, chấn thương dây chằng chéo tùy theo từng mức độ khác nhau mà sẽ có hướng điều trị thích hợp. Không phải trường hợp nào cũng cần phải phẫu thuật, nhưng một số ca bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật.
3.1. Không phẫu thuật
Áp dụng theo các hướng dẫn sau đây để giúp khớp gối nhanh phục hồi:
- Sơ cứu theo phương pháp RICE, là chữ viết tắt của 4 từ: Rest: nghỉ ngơi, Ice: chườm đá, Compression: băng gối và Elevation: kê chân cao.
- Hạn chế vận động: Bệnh nhân cần được mang nẹp gối chuyên hỗ trợ dây chằng, đôi khi phải kẹp nạng theo, nhằm hạn chế lực tác động lên chân bị tổn thương.
- Vật lý trị liệu: Đến khi khớp gối không còn sưng, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu. Mục đích là giúp cho khớp gối dần lấy lại sức khỏe, không bị cứng, để từ đó có thể phục hồi hoàn toàn.
3.2. Phẫu thuật điều trị đứt dây chằng chéo
Khi bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo kèm theo tổn thương sụn chêm, hoặc đứt đa dây chằng mà có kèm theo đứt dây chằng chéo sau, thì chỉ định phẫu thuật là bắt buộc.
Phẫu thuật Nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối đơn thuần là một phẫu thuật tương đối khó, bởi vì người thực hiện phải đảm bảo không làm tổn thương đến các dây chằng chéo khác. Hơn nữa, phải có kỹ thuật cố định vùng mổ thật chắc và phải đặt thật đúng vị trí của dây chằng chéo ban đầu để tái tạo lại.