Các dấu hiệu nhận biết suy thai cấp

Suy thai là tình trạng thai nhi bị thiếu oxy trong thời kỳ mang thai hoặc quá trình chuyển dạ. Có hai nhóm là suy thai cấp và suy thai mãn. Trong đó Suy thai cấp chỉ hiện tượng suy thai xảy ra đột ngột, nếu không cứu chữa kịp thời, thai nhi sẽ gặp những vấn đề về trí não, thậm chí là tử vong. Vậy, hãy tìm hiểu Các dấu hiệu nhận biết suy thai cấp?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Các dấu hiệu nhận biết suy thai cấp

1.1 Màu sắc nước ối

Nước ối chảy ra có màu xanh tức là có phân su, điều này phản ánh tình trạng em bé thiếu oxy, tống phân su vào buồng ối.

Nước ối chảy ra có màu đỏ tươi kèm theo co cứng bụng liên tục đôi khi đó là báo hiệu của bánh nhau bong non.

1.2 Cử động của thai Nhi hỗn loạn

Thai nhi sẽ có những biểu hiện cử động bất thường, có khi đạp mạnh và nhiều rồi chậm dần và không còn cử động sau một thời gian - đây là dấu hiệu cho thấy thai Nhi đang có nguy cơ thiếu oxy nghiêm trọng, có thể dẫn đến ngừng tim thai.

Để nhận biết dấu hiệu này, mẹ bầu nên thường xuyên theo dõi thai kỳ bằng cách đếm cử động của con yêu thường xuyên.

Với nhịp đập tim thai không bình thường, có những lúc rất chậm, dấu hiệu này sẽ được kiểm tra chính xác nhất khi mẹ bầu đến khám Bác sĩ, để được chỉ định đo tim thai và cơn co tử cung trên máy monitoring Sản khoa giúp phát hiện các biểu hiện suy thai sớm.

2. Nguyên nhân gây suy thai cấp thường là gì?

Nguyên nhân suy thai cấp: từ phía mẹ, do thai và chuyển dạ của thai, trong chuyển dạ

Về phía mẹ: Thai phụ mắc các bệnh như thiếu máu, suy tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, các bệnh suy thận, suy gan, suy hô hấp...

Do thai và các phần phụ của thai: Thai kém phát triển, dị dạng, sa dây rau, dây rốn thắt nút , rau bong non, thai già tháng hoặc quá non tháng,...

Trong chuyển dạ: Chuyển dạ kéo dài, cơn co quá mạnh, tử cung co cứng.

Tùy nguyên nhân của tình trạng suy thai mà bác sĩ sẽ có cách xử lý thích hợp:

  • Nếu có nguyên nhân rõ ràng như sa dây rốn, rau bong non, dọa vỡ tử cung... thì mẹ bầu phải mổ lấy thai ngay.
  • Nếu không có nguyên nhân rõ ràng, bác sĩ thường cho mẹ bầu nằm nghiêng trái và thở oxy, tử cung không đè lên tĩnh mạch chủ dưới có thể chấm dứt được tình trạng suy thai. Nếu tình trạng suy thai không được cải thiện sẽ chỉ định mổ lấy thai ngay.

3. Để đề phòng suy thai cấp, mẹ bầu cần lưu ý như thế nào?

Mẹ bầu cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức, sức khỏe cùng Tâm lý tốt nhất để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Mẹ bầu nên khám theo lịch hẹn định kỳ nhằm phát hiện sớm thai suy và hạn chế các biến cố. Mẹ bầu cần được:

  • Chữa khỏi bệnh mạn tính trước khi có thai
  • Giảm mọi ưu tư phiền muộn cho người phụ nữ khi mang thai
  • Chăm sóc tốt nhất về chế độ dinh dưỡng, bổ sung protein, vitamin và nguyên tố vi lượng, tránh không để bị tăng huyết áp, đái đường thai kỳ....
  • Không tự ý sử dụng thuốc và tránh xa khói thuốc lá, rượu
  • Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ
  • Khi có những dấu hiệu bất thường như thai cử động ít, không cử động, có cơn co tử cung, ra máu, ra nước âm đạo... mẹ bầu cần đến khám bác sĩ ngay
  • Khi chuyển dạ, mẹ bầu cần có sự hỗ trợ, động viên từ người thân, tránh để mẹ bầu có những ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, khiến quá trình chuyển dạ kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thai cao hơn
Mẹ bầu nên khám theo lịch hẹn định kỳ nhằm phát hiện sớm thai suy và hạn chế các biến cố

Suy thai cấp là một tình trạng đáng được lưu tâm để có thể xử lý kịp thời ngay khi có dấu hiệu đầu tiên. Vậy nên, hiểu thật rõ, nắm thật sâu về suy thai cấp sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp mẹ và bé có một sức khỏe tốt nhất, vượt cạn an toàn.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung