1. Vai trò của cổ tử cung với cơ thể
Ở cơ thể người phụ nữ, tử cung là một trong những bộ phận rất quan trọng trong cơ quan sinh sản, nó được tạo thành từ các cơ trơn chạy dọc theo các tuyến khác nhau. Các cơ trong tử cung có khả năng có thắt để giúp cơ thể nữ giới đạt cực khoái trong quan hệ hoặc khi chuyển dạ, trong thời kỳ kinh nguyệt.
Cổ tử cung là bộ phận được cấu tạo bởi rất nhiều sợi mô cơ, nó là đoạn ống nối âm đạo với bào thai, từ lúc cơ thể người phụ nữ Mang thai cho đến khi kết thúc thai kỳ thì cổ tử cung sẽ phát triển và giúp cho thai Nhi dễ dàng chui ra khỏi bụng mẹ lúc chuyển dạ.
Là bộ phận quan trong, tử cung và cổ tử cung đóng vai trò thiết yếu trong suốt quá trình Mang thai của người phụ nữ. Nó không chỉ là bộ phận lưu trữ trứng đã được thụ tinh mà còn là nơi nuôi dưỡng thai nhi, giúp thai Nhi lớn lên và phát triển trong quãng thời gian mang thai. Kích thước của tử cung sẽ thay đổi cùng với kích thước của thai nhi.
Ngoài ra, tử cung còn có vai trò:
- Giúp hỗ trợ lưu thông máu.
- Hỗ trợ các cơ quan nội tạng khác như âm đạo, trực tràng và thậm chí cả bàng quang trong thời kỳ mang thai.
- Thực hiện các chức năng tình dục, giúp kích thích những cực khoái trong suốt quá trình quan hệ.
2. Bệnh ở cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung có nhiệm vụ không cho các tác nhân có hại xâm nhập và làm tổn thương tử cung. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho người phụ nữ mắc phải các bệnh ở cổ tử cung, phần lớn là các bệnh liên quan đến Phụ khoa như: Polyp cổ tử cung, viêm loét, u xơ cổ tử cung hay nguy hiểm hơn là Ung thư cổ tử cung.
Cổ tử cung đóng vai trò rất quan trọng trong suốt thời gian mang thai, giúp giữ em bé luôn được an toàn trong bụng mẹ. Do vậy, phòng bệnh cổ tử cung, giữ cho cổ tử cung luôn được khỏe mạnh là việc làm hết sức thiết thực.
Các bệnh ở cổ tử cung có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau, nếu không may mắc phải bệnh lý ở bộ phận này thì nên thăm khám và điều trị kịp thời, dứt điểm. Cổ tử cung là nơi quan trọng để phòng ngừa các mầm bệnh lây từ âm đạo vào tử cung, chính vì vậy, bảo vệ sức khỏe cổ tử cung cũng chính là bảo vệ sức khỏe sinh sản và sức khỏe của chính bản thân mỗi người.
3. Phòng bệnh cổ tử cung bằng cách nào?
Để phòng bệnh cổ tử cung thì trước tiên cần phải tìm hiểu những nguyên nhân có thể gây bệnh là gì, phải loại bỏ hoặc giảm các yếu tố gây hại này lại. Các phương pháp phòng bệnh bao gồm:
3.1 Hạn chế tổn thương
Các tế bào cổ tử cung rất dễ bị tác động và chịu tổn thương bởi các tế bào bất thường ở độ tuổi dậy thì, lần mang thai đầu tiên hay sau khi sinh con vài tuần. Tại những thời điểm cổ tử cung dễ bị tổn thương thì những điểm nối này mở rộng về phía âm đạo làm cho các tế bào nhạy hơn với những thay đổi và chất gây ung thư. Do vậy, để phòng bệnh ở cổ tử cung thì nên chú ý sức khỏe tại những thời điểm nhạy cảm này.
3.2 Tăng cường hệ miễn dịch
Nếu như cơ thể có một hệ miễn dịch khỏe mạnh thì sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn và virus gây hại ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên và phòng bệnh cổ tử cung hiệu quả. Chính vì thế, hãy luôn chủ động giữ cho mình một hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua việc ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, lành mạnh và tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
3.2 Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cơ thể người phụ nữ được bổ sung đầy đủ acid folic sẽ giảm đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm hàng ngày cũng có khả năng giúp cơ thể trung hòa ảnh hưởng của những hóa chất độc hại và phòng bệnh ở cổ tử cung hiệu quả.
3.3 Giảm căng thẳng, mệt mỏi
Công việc, gia đình, con cái...là những thứ có thể khiến người phụ nữ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng mỗi ngày. Đã có rất nhiều trường hợp phụ nữ có kết quả test Pap bất thường sau khi phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc sống, chính vì thế mà các nhà chuyên môn cho rằng, việc cơ thể phản ứng lại với những sự việc gây căng thẳng có liên quan rất nhiều tới những kết quả test Pap bất thường.
Do vậy, để phòng bệnh cổ tử cung thì mỗi người hãy tìm cách đối phó với căng thẳng, stress để làm giảm chúng, hãy tập thể dục mỗi ngày, tìm đến các môn thể thao mà bản thân yêu thích để giúp giải tỏa căng thẳng dễ dàng.
3.4 Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Thực tế, có rất nhiều phụ nữ có thói quen hút thuốc lá, hãy từ bỏ thói quen này nếu như muốn phòng các bệnh ở cổ tử cung bởi các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá có liên quan đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Đặc biệt, những người hút thuốc sẽ dễ có những thay đổi bất thường hoặc những thay đổi ung thư hóa ở cổ tử cung so với những người không hút thuốc.
3.5 Quan hệ Tình dục lành mạnh, an toàn
Để phòng bệnh cổ tử cung thì không thể nào thiếu được biện pháp quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, việc làm này không chỉ giúp tránh mang thai ngoài ý muốn mà còn giúp ngăn ngừa bệnh lý có thể lây qua đường Tình dục một cách hiệu quả.
3.6 Thăm khám sức khỏe, sàng lọc bệnh phụ khoa thường xuyên
Thăm khám và sàng lọc bệnh phụ khoa cũng là cách giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản ở chị em phụ nữ. Hãy thực hiện test Pap thường quy để giúp phát hiện những thay đổi bất thường ở cổ tử cung hoặc những thay đổi, bệnh lý phụ khoa có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Chị em cũng có thể phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi có ý định mang thai, hãy tìm gặp bác sĩ để có được lời khuyên chính xác nhất cho trường hợp của mình.
Ngoài ra, nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu cảnh báo bệnh ở cổ tử cung như: Chảy máu liên tục không rõ nguyên nhân, giao hợp đau và chảy máu, dịch âm đạo có mùi lạ, tăng tiết dịch âm đạo nhiều hơn và đau vùng chậu...hãy chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.