Điếc đột ngột - Nguyên nhân - triệu chứng và cách điều trị

Thính giác là một trong 5 giác quan quan trọng của cơ thể. Khi bị mất thính lực, bạn sẽ gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp. Điếc đột ngột từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào các yếu tố sức khỏe khác và có khả năng trở thành điếc vĩnh viễn. Mất thính lực đột ngột cũng có thể xảy ra cùng với chứng ù tai
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Điếc đột ngột là bệnh gì?

Mất thính giác Thần kinh đột ngột hay còn gọi điếc đột ngột xảy ra khi bạn bỗng nhiên bị mất thính lực. Cứ 10 người bị điếc đột ngột thì có 9 người chỉ bị mất thính giác một bên tai. Tình trạng điếc đột ngột có thể xảy ra rất nhanh hoặc trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ, trước lúc đi ngủ, khả năng nghe của bạn hoàn toàn bình thường nhưng sáng hôm sau khi thức dậy, một hoặc cả hai tai của bạn không nghe được bất kỳ âm thanh nào. Đôi khi, khả năng nghe ở một bên tai bạn yếu dần trong vài ngày rồi mất hẳn thính lực.

Decibel (dB) là đơn vị đo cường độ hoặc độ lớn của âm thanh. Mức decibel (dB) thấp nhất là 0, ở mức này âm thanh gần như hoàn toàn im lặng. Lời thì thầm mà tai có thể nghe được là 30 dB, lời nói bình thường là 60 dB. Khi bị điếc đột ngột, bạn sẽ nghe những lời nói bình thường chỉ ở mức giống như họ đang nói chuyện thì thầm.

Điếc đột ngột thường xảy ra ở những người trong độ tuổi 30 – 60. Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 4.000 trường hợp mắc phải bệnh này. Theo thống kê:

  • Chỉ có khoảng 3,6% người có bị điếc đột ngột hoàn toàn sẽ phục hồi thính lực. Người lớn tuổi và người bị Chóng mặt ít có cơ hội phục hồi.
  • Khoảng 54,5% bệnh nhân bị điếc đột ngột một bên tai có thể hồi phục thính lực trong vòng 10 – 14 ngày nếu được điều trị kịp thời.
  • Tình trạng điếc đột ngột trở nên tồi tệ hơn theo thời gian ở khoảng 15% bệnh nhân. Trong trường hợp này, máy trợ thính và cấy ghép ốc tai điện tử có thể hỗ trợ khả năng nghe cho người bệnh.

Điếc đột ngột là một tình trạng nghiêm trọng cần phải được chăm sóc y tế kịp thời. Việc điều trị sớm có thể giúp thính lực của bạn được hồi phục. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu như ù tai, chóng mặt khi mới thức dậy, nghe kém, không nghe rõ âm thanh… bạn nên nên đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây ra điếc đột ngột

Có rất nhiều các rối loạn ảnh hưởng đến tai có thể gây ra điếc đột ngột nhưng chỉ có 10% những người được chẩn đoán mắc điếc đột ngột có nguyên nhân có thể xác định được, như:

  • Siêu vi trùng trong các bệnh quai bị, sởi, cúm…
  • Rối loạn vi tuần hoàn tai trong.
  • Do bệnh tự miễn, khối u thần kinh thính giác, nhiễm độc thuốc hoặc uống rượu, hút thuốc thường xuyên.
  • Do căng thẳng thần kinh, stress kéo dài, làm việc trong môi trường ồn lớn và kéo dài.
  • Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng của cảm cúm, Sốt siêu vi.
  • Bị ngã, Chấn thương thần kinh thính giác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh nhân vị điếc đột ngột là do hẹp hoặc co thắt mạch máu nuôi thần kinh tai trong gây thiếu máu nuôi thần kinh thính giác, tế bào thần kinh thính giác bị thiếu oxy rất dễ bị tổn thương, thậm chí bị hủy diệt hoàn toàn. Thời gian chịu đựng tình trạng thiếu oxy của các tế bào thính giác rất ngắn, những tế bào này khi đã hỏng thì không thể hồi phục. Thực ra, nguyên nhân điếc đột ngột rất phức tạp, nhiều trường hợp để tìm được nguyên nhân cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như Tai mũi họng, Nội khoa, Tim mạch, Thần kinh, Huyết học, Nội tiết, Dị ứng…

3. Dấu hiệu điếc đột ngột

Bạn có thể nhận thấy mình bị điếc đột ngột sau khi thức dậy vào buổi sáng hay khi nghe điện thoại ở bên tai bị điếc. Việc nghe âm thanh quá lớn (tiếng nổ) cũng có thể khiến bạn bị điếc đột ngột. Ngoài ra, điếc đột ngột còn có các dấu hiệu như:

  • Ù tai, khả năng nghe kém
  • Tai có cảm giác căng đầy, cảm tưởng như đút nút tai
  • Khả năng nghe bị giảm khi có nhiều tiếng ồn xung quanh
  • Khó nghe được âm thanh cao độ
  • Chóng mặt, mất thăng bằng
  • Tai bị nhiễm trùng
  • Không giật mình hay phản ứng với tiếng động lớn bất ngờ xảy ra
  • Đo thính lực đồ cho thấy thính lực giảm trên 30 dB.

4. Chẩn đoán điếc đột ngột

Người bệnh có triệu chứng điếc đột ngột, đầu tiên bác sĩ sẽ loại trừ mất thính lực do tắc nghẽn tai ngoài, chẳng hạn như chất lỏng hoặc ráy tai. Đối với điếc đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng, có thể xác định được khi đo thính lực đơn âm (tên tiếng Anh là Pure Tone Audiometry) trong vài ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng để xác định bất kỳ mất thính giác Thần kinh giác quan (sensorineural hearing loss).

Với Xét nghiệm đo thính lực đơn âm, bác sĩ có thể đo được mức độ lớn của các tần số hoặc âm vực khác nhau cần phải có trước khi người bệnh có thể nghe thấy. Dấu hiệu của điếc đột ngột có thể là mất ít nhất 30 decibel (decibel là thước đo cường độ âm thanh) trong ba tần số được kết nối trong vòng 72 giờ.

Nếu người bệnh được chẩn đoán bị điếc đột ngột, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung, những xét nghiệm này có thể xét nghiệm máu, hình ảnh (thường là hình ảnh cộng hưởng từ hoặc MRI) và Xét nghiệm cân bằng (balance tests).

4. Điều trị điếc đột ngột như thế nào?

Để điều trị bệnh điếc đột ngột, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng và nguyên nhân. Do đó, trước khi bắt đầu quá trình điều trị, bác sĩ sẽ cố gắng xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả.

Điều trị triệu chứng:
  • Thuốc giãn mạch ngoại biên
  • Thuốc tăng cường oxy máu
  • Thuốc chống phù nề mê nhĩ
  • Thuốc an thần
  • Vitamin nhóm B liều cao
  • Điều trị điếc đột ngột bằng oxy cao áp
  • Nghỉ ngơi.
Điều trị nguyên nhân:
  • Sử dụng corticosteroid là cách điều trị phổ biến nhất. Loại thuốc này có thể giúp giảm tình trạng sưng, viêm. Thuốc đặc biệt hữu ích nếu bạn có bệnh về hệ miễn dịch như hội chứng Cogan.
  • Nếu nguyên nhân gây nên tình trạng điếc đột ngột là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn dùng.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cấy máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử cho bạn. Việc cấy ghép ốc tai điện tử không giúp bạn phục hồi khả năng nghe hoàn toàn nhưng thiết bị này có thể khuếch đại âm thanh lên mức mà bạn nghe được.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com; Hear.com; Nidcd.nih.gov

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung