Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi - Điều trị và Cách phòng ngừa

20/07/2021
Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi - Điều trị và Cách phòng ngừa

Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) là một loại gãy xương mà đường gãy nằm trong khoảng từ chỏm đến khối mấu chuyển, đây là loại gãy nội khớp, thường tổn thương mạch máu kèm theo, nhất là ở người già nên xương khó liền.

1. Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi

Gãy cổ xương đùi chiếm khoảng 1/5 tổng số các gãy xương ở người cao tuổi do Chấn thương nhẹ như ngã đập hông trên nền cứng... Khi tuổi càng cao, xương càng loãng, nhất là phụ nữ, nên Gãy cổ xương đùi ở phụ nữ nhiều gấp 3 lần nam giới.

Sau khi gãy cổ xương đùi, bệnh nhân phải nằm lâu nên dễ bị các biến chứng nhiễm trùng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, tắc mạch, loét ở những vùng tì đè như vai, mông, gót chân, khuỷu tay, suy sụp tinh thần, chất lượng cuộc sống suy giảm,... sẽ là những nguyên nhân gây tử vong sớm trong năm đầu. Ở Pháp, hằng năm có gần 100.000 ca gãy cổ xương đùi được mổ và có đến gần 25% người cao tuổi bị tử vong sau 1 năm trở lên vì gãy cổ xương đùi không được mổ.

Ngày nay trên thế giới, chủ trương mổ sớm gãy cổ xương đùi (từ 24-48 giờ sau gãy) ở người cao tuổi để tránh các biến chứng nhiễm trùng, tắc mạch, loét. Chủ yếu là mổ thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần nên đã giảm tỉ lệ tử vong đáng kể.

Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi - Điều trị và Cách phòng ngừa  - ảnh 1
Ngày nay mổ thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần nên đã giảm tỉ lệ tử vong đáng kể.

2. Các dấu hiệu nhận dạng tình trạng gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi

  • Sau ngã, thấy đau ở vùng háng, đau tăng khi gõ dồn vào gót chân hoặc ấn vào nếp lằn bẹn hoặc xoay bàn chân;
  • Mất vận động 1 phần (gãy dạng) hoặc toàn phần (gãy khép): không tự nhấc gót chân lên khỏi mặt giường được;
  • Chân ngắn, bàn chân xoay ra ngoài;
  • Chụp Xquang khung chậu và khớp háng bên bị đau sẽ thấy hình ảnh gãy cổ xương đùi.

3. Các phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi

Sơ cứu: Cố định chân gãy với các phương tiện sau:

  • Dùng 3 nẹp gỗ: 1 nẹp từ nách đến gót chân, 1 nẹp từ vai đến gót chân, 1 nẹp từ bẹn đến gót chân;
  • Nẹp chống xoay cẳng bàn chân;
  • Chèn các túi cát vào gối và bàn chân để chống xoay;
  • Buộc 2 chân vào nhau (trường hợp không có phương tiện cố định).

Điều trị:

Điều trị bảo tồn:

  • Bó bột ngực đùi cẳng bàn chân (Whitman) ngày nay không áp dụng vì bệnh nhân phải nằm lâu từ 3 đến 4 tháng, dễ nhiễm trùng, chăm sóc vất vả.
  • Kéo liên tục áp dụng cho trường hợp không thể mổ được hoặc gãy không di lệch.
  • Nẹp chống xoay áp dụng cho trường hợp không mổ được hoặc chờ mổ hoặc gãy dạng.

Phẫu thuật kết hợp xương:

  • Đóng nhiều đinh Kirshner vào cổ xương đùi (hiện nay không áp dụng)
  • Vít xốp: dùng 3 vít xốp bắt vào cổ xương đùi
  • Nẹp vít 1 khối hoặc nẹp vít DHS (ưu điểm là ép được 2 mặt gãy khít nhau): cố định vững xương gãy, nên tập đi sớm.
  • Đinh nội tủy Ender, đinh Gamma.

Phẫu thuật thay khớp háng: Là phương pháp tối ưu với người cao tuổi. Có 2 phương pháp là thay khớp háng bán phần và thay khớp háng toàn phần. Có thể dùng xi măng xương hay không.

Thay khớp háng bán phần (chỉ thay chỏm xương đùi):

  • Chỏm 1 cực (Monoporlar): là chỏm bằng kim loại, kích thước to bằng chỏm xương đùi thật, nhược điểm là làm mòn ổ khớp háng sau vài năm (trên dưới 5 năm) nên ngày nay ít được áp dụng.
  • Chỏm 2 cực (Biporlar): bao gồm 1 chỏm kim loại nhỏ được lắp vào 1 đầu chuôi và vào chỏm cầu bằng chất tổng hợp có kích thước bằng chỏm xương đùi thật. Ưu điểm: ổ khớp háng bị mòn chậm hơn (sau khoảng 10-15 năm).
Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi - Điều trị và Cách phòng ngừa  - ảnh 2

Thay khớp háng toàn phần (thay cả chỏm xương đùi và ổ khớp háng): áp dụng trong trường hợp thể trạng tốt, xương chắc.

4. Phòng ngừa gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi

Để phòng ngừa gãy cổ xương đùi, người cao tuổi có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Duy trì vận động thể chất
  • Duy trì Dinh dưỡng đủ canxi và vitamin
  • Giảm sử dụng các thuốc Tâm thần không cần thiết
  • Tập quen với đi nạng
  • Loại bỏ các nguy cơ gây ngã ở nhà như sàn trơn...
  • Điều trị các rối loạn về thị giác
  • Phát hiện, phòng và điều trị loãng xương sớm
  • Hướng dẫn cho người già cách đề phòng ngã trong sinh hoạt hằng ngày