Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ý nghĩa xét nghiệm PAPP-A và free beta HCG (Double test)trong sàng lọc dị tật

28/06/2021
Ý nghĩa xét nghiệm PAPP-A và free beta HCG (Double test)trong sàng lọc dị tật

Một trong những phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng giúp sàng lọc dị tật thai nhi ở giai đoạn sớm có thể kể đến xét nghiệm double test (định lượng PAPP-A và định lượng β-hCG tự do).

1. Định lượng PAPP-A là gì?

PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A) là một loại glycoprotein do nhau thai sản xuất và bài tiết vào máu mẹ. Trong thai kỳ bình thường, nồng độ PAPP-A tăng dần trong suốt thai kỳ. Trong quý I của thai kỳ nếu thai nhi có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể 21 (hội chứng Down), nhiễm sắc thể 18 (hội chứng Edwards) và nhiễm sắc thể 13 (hội chứng Patau) sẽ thấy nồng độ PAPP-A trong máu mẹ giảm, trong khi đó ở quý II nồng độ PAPP-A vẫn giữ ở mức bình thường hoặc chỉ hơi giảm do đó định lượng PAPP-A chỉ được dùng trong quý I của thai kỳ để sàng lọc trước sinh (nhất là thai Nhi mắc hội chứng Down).

Ý nghĩa xét nghiệm PAPP-A và free beta HCG (Double test)trong sàng lọc dị tật - ảnh 1
Định lượng PAPP-A dùng để sàng lọc dị tật thai nhi trước sinh được áp dụng trong quý I của thai kỳ

2. Định lượng free beta HCG là gì?

β-hCG tự do là một thành phần của hoocmon HCG (human chorionic gonadotropin). Bình thường, hCG chỉ xuất hiện trong máu và nước tiểu của phụ nữ mang thai. HCG đầu tiên được các tế bào lá nuôi của trứng sau khi đã được thụ tinh tiết ra sau đó sẽ do nhau thai bài tiết. HCG có mặt trong Huyết thanh của mẹ vào khoảng 6 đến 8 ngày sau khi trứng được thụ tinh và đạt tới nồng độ cao nhất khoảng tuần thứ 9 mang thai. Sau đó, nồng độ Nội tiết tố giảm trong khoảng tuần thai thứ 1016, còn khoảng 1/5 nồng độ đỉnh và duy trì ở mức này cho đến cuối thai kỳ.

hCG bao gồm 2 chuỗi là α và β liên kết với nhau trong phân tử hormone toàn vẹn. Huyết thanh của phụ nữ Mang thai chủ yếu chứa hCG nguyên vẹn này. Tuy nhiên, một phần nhỏ tiểu đơn vị α và β lưu thông dưới dạng không liên kết (β-hCG tự do). Tỷ lệ của βhCG tự do trung bình 1 % so với hCG trong máu mẹ. Nếu thai nhi mắc hội chứng Down, nồng độ của tiểu đơn vị β-hCG tự do gia tăng đáng kể trong quý I và quý II của thai kỳ.

Ý nghĩa xét nghiệm PAPP-A và free beta HCG (Double test)trong sàng lọc dị tật - ảnh 2
HCG chỉ xuất hiện trong máu và nước tiểu của phụ nữ mang thai

3. Double test là gì?

Double test được thực hiện bằng cách đo lượng β-hCG tự do (free beta-human chorionic gonadotropin) và PAPP-A (pregnancy associated plasma protein A) trong máu thai phụ, sau đó nhờ một phần mềm chuyên dụng để tính toán cùng với cân nặng, chiều cao của mẹ, tuổi thai, độ mờ da gáy (nuchal translucency-NT) và chiều dài đầu mông (fetal crown-rump length-CRL) đo bằng siêu âm,... để đánh giá nguy cơ mắc các hội chứng Down, Edward hoặc Patau của thai ở quý I của thai kỳ (Quý I của thai kỳ được tính khi tuổi thai được từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày).

Xét nghiệm Double test có ý nghĩa như thế nào đối với sàng lọc dị tật thai nhi?

Các chất hóa sinh như PAPP-A và β-hCG tự do được thai nhi sản xuất một cách bình thường và xuất hiện trong máu mẹ trong quá trình phát triển của thai và nhau thai. Nếu thai có sự lệch bội lẻ nhiễm sắc thể (aneuploidies), nồng độ của các chất này sẽ thay đổi trong máu mẹ và việc định lượng chúng trong máu mẹ cùng với kết quả siêu âm,... có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai như:

  • Hội chứng Down (Trisomy 21), là một tình trạng có 3 nhiễm sắc thể 21, gây thiểu năng trí tuệ và các vấn đề về tim mạch, đường tiêu hóa và nhiều cơ quan khác. Trong hội chứng Down, mức độ β-hCG tự do tăng đáng kể, mức độ PAPP-A có xu hướng giảm và độ dày da gáy tăng.
  • Hội chứng Edwards (Trisomy 18) là một tình trạng có 3 nhiễm sắc thể 18. Nguy cơ hội chứng Edwards cũng tăng theo tuổi của người mẹ. Hội chứng Edwards ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể, làm cho trẻ hiếm khi sống quá một tuổi. Nếu thai nhi có nguy cơ cao mắc Edwards, xét nghiệm sẽ thấy mức độ cả β-hCG tự do và PAPP-A đều giảm.
  • Hội chứng Patau (Trisomy 13) là một hội chứng gây ra do có 3 nhiễm sắc thể 13. Hội chứng Patau ảnh hưởng nặng nề đến nhiều cơ quan trong cơ thể như thần kinh, mắt, tim, thận,... Trên 80% trẻ bị hội chứng Patau sẽ chết dưới một tuổi. Cũng như đối với hội chứng Down và hội chứng Edward, nguy cơ hội chứng Patau cũng tăng theo tuổi của mẹ. Trong hội chứng Patau: mức độ β-hCG tự do và PAPP-A nói chung là thấp.
Ý nghĩa xét nghiệm PAPP-A và free beta HCG (Double test)trong sàng lọc dị tật - ảnh 3
Kết quả xét nghiệm Double test cho biết nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down hoặc Edwards, Patau

4. Chỉ định Double test

Tất cả các sản phụ đều nên làm xét nghiệm Double test. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao như:

  • Tuổi trên 35.
  • Từng Sảy thai hoặc Thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
  • Từng Mang thai hoặc sinh con có mắc dị tật bẩm sinh.
  • Tiền sử gia đình có người sinh con bị dị tật bẩm sinh.
  • Đái tháo đường và có sử dụng insulin
  • Hút thuốc lá.
  • Đang sử dụng thuốc hoặc hóa chất có thể gây nguy hại cho thai
  • Nhiễm virus trong quá trình mang thai.
  • Có tiếp xúc với phóng xạ
  • Có các biểu hiện hoặc nghi ngờ bất thường trên kết quả siêu âm.

5. Kết quả Double test có cho phép khẳng định thai nhi mắc hội chứng Down hoặc Edwards, Patau không?

Kết quả xét nghiệm chỉ cho phép kết luận về nguy cơ thai mắc hội chứng Down hoặc Edwards, Patau mà thôi.

6. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thai nhi tăng nguy cơ, điều này nghĩa là gì?

Kết quả sàng lọc cho thấy có sự gia tăng nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down hoặc thể tam nhiễm sắc thể 18 hoặc 13 không có nghĩa là thai nhi đã được chẩn đoán mắc trường hợp bất thường nhiễm sắc thể đó mà chỉ đơn giản là thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down, Edwards, Patau tăng cao. Bác sĩ sẽ tư vấn về các xét nghiệm cần được thực hiện tiếp theo để chẩn đoán như lấy gai nhau hoặc lấy nước ối để xét nghiệm tế bào của thai nhi, những xét nghiệm này cho phép chẩn đoán chính xác tới 99,9% thai nhi bị bất thường nhiễm sắc thể.