1. Can thiệp đóng lỗ Thông liên nhĩ là gì?
Thông liên nhĩ là một bệnh Tim bẩm sinh thường gặp, chiếm từ 5-10% các dị tật về Tim bẩm sinh ở trẻ em, ở người lớn tỷ lệ này là 30%, chiếm khoảng 0,01% tổng dân số.
Kỹ thuật can thiệp Tim mạch qua ống thông là phương pháp điều trị ít xâm lấn, với đường tiếp cận thường qua tĩnh mạch đùi mà không cần mở ngực. Qua đó, dụng cụ can thiệp được đưa vào tim qua các ống thông, để đến bít lỗ thông liên nhĩ.
2. Đối tượng chỉ định
- Thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ phát và kích thước lỗ thông không quá lớn (≤ 34 mm, đo trên siêu âm tim).
- Có gờ xung quanh lỗ thông đủ rộng (gờ van nhĩ thất, gờ tĩnh mạch phổi phải, gờ động mạch chủ, gờ tĩnh mạch trên và dưới): ≥ 5 mm
- Luồng thông lớn gây ảnh hưởng huyết động
- Người bệnh có dấu tắc mạch nghịch thường cũng có chỉ định bít lỗ thông, cho dù dòng shunt nhỏ ..
Chống chỉ định: Kỹ thuật can thiệp trong điều trị Thông liên nhĩ chống chỉ định với các trường hợp:
- Những trường hợp bị thông liên nhĩ lỗ tiên phát, lỗ xoang tĩnh mạch
- Những đối tượng bị thông liên nhĩ nằm trong bệnh tim bẩm sinh phức tạp
- Người bệnh bị rối loạn đông máu nặng
- Bệnh nhân mắc bệnh lý nội khoa, ngoại khoa nặng chưa thể Thông tim can thiệp
3. Quy trình thực hiện kỹ thuật
Trước khi thực hiện kỹ thuật, người bệnh nhập viện để khám đánh giá, xác định đúng chỉ định can thiệp hay có chống chỉ định không?.
Các bước sàng lọc bao gồm:- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm tim qua thành ngực và Siêu âm tim qua thực quản, X-quang ngực thẳng, Điện tâm đồ
- Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu
- Sát trùng, Gây tê tại chổ vùng chọc mạch
- Đưa ống thông từ tĩnh mạch đùi vào tĩnh mạch chủ dưới, đến nhĩ phải, qua lỗ thông liên nhĩ trái vào tĩnh mạch phổi;
- Sử dụng bóng để đo đường kính lỗ thông liên nhĩ;
- Kích thước của dụng cụ bít lỗ thông liên nhĩ thường lớn hơn vòng eo của bóng là 2-4 mm
- Lắp dụng cụ vào hệ thống cáp. Sau đó, dụng cụ được đưa vào hệ thông ống thông, từ từ đẩy dụng cụ đến lỗ thông liên nhĩ để thả bít lỗ thông. Kết hợp siêu âm ngoài thành ngực hoặc thực quản để kiểm tra, nếu dụng cụ đúng vị trí, không chèn ép vào cấu trúc xung quanh thì thả dụng cụ ra
- Rút toàn bộ hệ thống thả dụng cụ khi kết thúc thủ thuật.
4. Ưu điểm của kỹ thuật
Phương pháp an toàn và không đòi hỏi nhiều phương tiện kỹ thuật, có thể triển khai thường quy tại các cơ sở có phòng thông tim.
Phương pháp mang tính thẩm mỹ cao hơn so với phương pháp mỗ hở với đường mổ dọc giữa xương ức kinh điển
Giảm sang chấn, ít đau, ít chảy máu
Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện, và quá trình hồi phục sức khỏe , nằm viện được giảm xuống đáng kể
Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ được giảm thiểu
5. Những biểu hiện bất thường sau khi thực hiện kỹ thuật
- Tắc mạch do khí hay do huyết khối
- Tràn dịch màng tim: do thủng, rách thành nhĩ, tiểu nhĩ
- Di lệch, rơi dù khỏi vị trí
- Các bất thường khác: sưng nề, chảy máu chỗ chọc mạch, nhiễm trùng...
6. Theo dõi sau phẫu thuật
Bệnh nhân lưu viện 48 giờ sau can thiệp, được theo dõi:
- Tình trạng sức khỏe thường xuyên, theo sự chỉ định của bác sĩ
- Siêu âm, xét nghiệm sau thủ thuật
Theo dõi sau ra viện:
- Tái khám sau ra viện 07 ngày, 30 ngày và định kỳ theo hẹn;
- Điều trị thuốc: sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu 6 tháng; và ngưng thuốc khi không còn lỗ thông tồn lưu