Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Hội chứng xương thuyền phụ

28/05/2021
Hội chứng xương thuyền phụ

Hội chứng xương thuyền phụ là một dị tật bẩm sinh ở lòng bàn chân. Đa phần hội chứng xương thuyền phụ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi chúng gây cảm giác đau cho người bệnh.

1. Hội chứng xương thuyền phụ

Hội chứng xương thuyền phụ là một dị tật bẩm sinh ở lòng bàn chân, cấu trúc xương bên trong bàn chân có thêm một mảnh sụn hoặc xương phụ nằm ở phía trên vòm gan chân, có thể nằm ở trong hoặc liên tiếp với gân bám vào xương thuyền (gân chày sau).

Thông thường, xương thuyền phụ không được phát hiện cho đến khi xương, sụn phát triển (giai đoạn thanh thiếu niên) hoặc trưởng thành.

2. Triệu chứng hội chứng xương thuyền phụ

Phần lớn hội chứng xương thuyền phụ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi nó gây đau, khi gân chày sau bị mảnh xương kích thích do Chấn thương làm giãn dây chằng ở cổ bàn chân, hoặc chơi thể thao, vận động quá mức, hoặc mang giày, dép không phù hợp làm tác động đến xương thuyền.

Hội chứng xương thuyền phụ - ảnh 1
Hội chứng xương thuyền phụ

Ở thời điểm phát hiện xương thuyền phụ có thể nhận thấy các triệu chứng như sau:

  • Hình dáng bàn chân bất thường, ngay phía trên vòm gan chân xuất hiện 1 khối gồ. Hoặc bàn chân có hình dáng bẹt làm căn giãn gân chày sau, do đó có thể gây viêm xương thuyền phụ.
  • Vùng xương thuyền phụ bị sưng, tấy đỏ.
  • Đau nhói ở giữa bàn chân và vòm gan chân, nhất là trong hoặc sau khi hoạt động.

3. Chẩn đoán hội chứng xương thuyền phụ

Chẩn đoán hội chứng xương thuyền phụ dựa vào các triệu chứng và phương pháp đánh giá sau:

  • Đánh giá hình dáng, cấu trúc bàn chân, cách di chuyển, đi lại, sức cơ và sự vận động của khớp.
  • Thăm khám tìm dấu hiệu kích thích da và sưng phù nề.
  • Thăm khám tìm triệu chứng đau bằng cách ấn lên vùng xương bị tổn thương.
  • Chụp X-quang là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác xương thuyền phụ. Ngoài ra, có thể chụp MRI để có thể đánh giá kỹ lưỡng hơn nếu bị đau và viêm.

4. Điều trị hội chứng xương thuyền phụ

Hội chứng xương thuyền phụ có thể được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật. Các triệu chứng vẫn có thể tái phát mặc dù người bệnh được điều trị thành công với các phương pháp không phẫu thuật. Lúc này, người bệnh có thể cân nhắc tiếp tục điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Hội chứng xương thuyền phụ - ảnh 2
Bó bột điều trị hội chứng xương thuyền phụ

4.1 Điều trị không phẫu thuật xương thuyền phụ

Mục tiêu của điều trị hội chứng xương thuyền phụ không phẫu thuật là làm giảm các triệu chứng. Có thể sử dụng một trong những phương pháp sau hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.

  • Bất động: Bó bột hoặc mang giày chuyên dụng để không làm ảnh hưởng đến vùng xương bị tổn thương, từ đó giúp giảm viêm.
  • Chườm đá: Dùng một mảnh vải hoặc khăn có đá bên trong chườm lên vùng xương thuyền phụ bị tổn thương để giảm sưng, tránh chườm trực tiếp đá lên trên da.
  • Thuốc: Dùng các loại thuốc chống viêm không chứa steroid như ibuprofen, ...
  • Vật lý trị liệu kết hợp phục hồi chức năng: Áp dụng các phương pháp Vật lý trị liệu để làm giảm viêm kết hợp tập các bài tập để tăng cường sức mạnh các cơ.
  • Thiết bị chỉnh hình: Dùng các thiết bị chỉnh hình để hỗ trợ vòm gan chân, giúp điều trị dự phòng các triệu chứng.

4.2 Điều trị phẫu thuật xương thuyền phụ

Điều trị xương thuyền phụ bằng phương pháp phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp sau 4 - 6 tháng người bệnh được điều trị nội khoa nhưng thất bại. Tùy vào tổn thương, điều trị phẫu thuật có thể là:

  • Lấy bỏ xương thuyền phụ
  • Tái tạo hình điểm bám gân chày sau.

Hội chứng xương thuyền phụ có thể được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật như bó bột, dùng thuốc, mang giày chuyên dụng, tập Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, sử dụng các thiết bị chỉnh hình. Nếu thất bại sẽ áp dụng điều trị phẫu thuật.