1. Hormone tạo hoàng thể (LH) là gì?
Hormone LH, hay hormone tạo hoàng thể, giống như hormone kích thích nang trứng (FSH), là hormone tuyến sinh dục được sản xuất và giải phóng bởi các tế bào phần trước tuyến yên. Hormone này đóng quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng của tinh hoàn ở nam giới và buồng trứng ở nữ giới.
Ở phụ nữ, LH thực hiện các vai trò khác nhau trong hai nửa của chu kỳ kinh nguyệt. Trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai của chu kỳ, cơ thể cần LH để kích thích các nang noãn trong buồng trứng để sản xuất Nội tiết tố sinh dục nữ - Estradiol. Vào khoảng ngày 14 của chu kỳ, nồng độ LH gia tăng làm cho nang noãn bị vỡ và giải phóng một noãn bào trưởng thành (trứng) từ buồng trứng, chính là quá trình mà chúng ta gọi là sự rụng trứng. Trong phần còn lại của chu kỳ (tuần thứ 3 đến tuần thứ 4), phần còn lại của nang noãn tạo thành một hoàng thể. LH kích thích hoàng thể sản xuất progesterone, là hormone cần thiết để hỗ trợ giai đoạn đầu của thai kỳ, nếu sự thụ tinh xảy ra.
2. Cơ chế kiểm soát hormone LH
Việc kiểm soát hormone LH tiết ra từ phần trước tuyến yên được điều hòa thông qua một hệ thống gọi là trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục. Hormone giải phóng Gonadotropin được giải phóng từ vùng dưới đồi và liên kết với các thụ thể ở tuyến yên trước để kích thích cả quá trình tổng hợp và giải phóng LH (và FSH (hormone kích thích nang trứng)). LH được giải phóng vào máu, nơi nó liên kết với các thụ thể trong tinh hoàn và buồng trứng để điều chỉnh sự tiết hormone của chúng và sản xuất tinh trùng hoặc trứng.
Sự giải phóng hormone từ tuyến sinh dục có thể ức chế sự tiết hormone giải phóng gonadotropin và đến lượt nó, LH từ phần trước tuyến yên. Khi mức độ hormone từ các tuyến sinh dục giảm, điều ngược lại xảy ra và hormone giải phóng gonadotropin và do đó LH tăng lên. Cơ chế này được gọi là phản hồi tiêu cực.
Việc tinh chỉnh giải phóng LH rất quan trọng để duy trì khả năng sinh sản. Bởi vì điều này, các hợp chất được thiết kế bắt chước hoạt động của hormone giải phóng gonadotropin, hormone kích thích hoàng thể và hormone kích thích nang trứng được sử dụng để kích thích chức năng tuyến sinh dục trong các kỹ thuật hỗ trợ thụ thai như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đo nồng độ LH có trong nước tiểu có thể được sử dụng để dự đoán thời điểm tăng LH ở phụ nữ và dựa trên đó để dự đoán thời điểm rụng trứng. Đây là một trong những phương pháp được sử dụng trong các bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng được sử dụng cho các cặp vợ chồng muốn thụ thai.
3. Điều gì sẽ xảy ra nếu nồng độ hormone LH quá cao?
Mức LH quá cao có thể là một dấu hiệu của vô sinh. Do sự tiết hormone LH được kiểm soát chặt chẽ bởi trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục, nồng độ LH cao trong máu cho thấy sản xuất steroid sinh dục từ tinh hoàn hoặc buồng trứng giảm (ví dụ như trong suy buồng trứng sớm).
Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ liên quan đến nồng độ hormone LH cao và giảm khả năng sinh sản. Đó là khi sự mất cân bằng giữa hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng có thể gây ra tình trạng sản xuất Testosterone bất thường.
Các bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng Klinefelter, và hội chứng Turner, cũng có thể khiến nồng độ hormone luteinising cao. Hội chứng Klinefelter, là một rối loạn chỉ xuất hiện ở nam giới và là hậu quả từ việc mang thêm một nhiễm sắc thể X (do đó nam giới có XXY, thay vì nhiễm sắc thể XY). Do đó, tinh hoàn nhỏ và không tiết ra đủ lượng testosterone để hỗ trợ sản xuất tinh trùng. Hội chứng Turner là một rối loạn chỉ xảy ra ở nữ gây ra bởi việc xóa một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể X (bệnh nhân chỉ có XO, thay vì XX). Ở những bệnh nhân bị ảnh hưởng, chức năng buồng trứng bị suy giảm và do đó sản xuất hormone LH tăng lên để cố gắng kích thích chức năng buồng trứng.
4. Vậy nếu nồng độ LH của quá thấp, chuyện gì sẽ xảy ra?
Quá ít hormone LH cũng sẽ dẫn đến Vô sinh ở cả nam và nữ, vì mức độ quan trọng của hormone LH vì chúng ta cần nó để hỗ trợ chức năng tinh hoàn hoặc buồng trứng.
Ở nam giới, một ví dụ về tình trạng nồng độ hormone LH thấp được tìm thấy là hội chứng Kallmann, có liên quan đến sự thiếu hụt bài tiết hormone giải phóng gonadotropin từ vùng dưới đồi.
Ở nữ giới, thiếu hormone LH dẫn đến không rụng trứng và kinh nguyệt có thể không đều, hoặc vô kinh.
Hormone kiểm soát rất nhiều hệ thống sinh sản của cơ thể con người, và hormone LH là một trong số đó. Với các vai trò khác nhau trong cơ thể của đàn ông và phụ nữ, hormone quan trọng này thiết yếu để đảm bảo hệ thống sinh sản khỏe mạnh. Bạn cần phải hiểu biết về hormone thiết yếu này để đảm bảo kiểm soát được sức khỏe sinh sản của bản thân.
5. Tăng LH có ý nghĩa gì đối với thai kỳ?
Khi nồng độ hormone LH của cơ thể tăng lên, nó sẽ kích hoạt sự bắt đầu rụng trứng và thời kỳ dễ thụ thai nhất của chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Theo dõi sự gia tăng nồng độ hormone LH có thể giúp mọi người lên kế hoạch sinh hoạt vợ chồng và tăng cơ hội mang thai.
6. Nên kiểm tra mức LH khi nào?
Đối với những người đang cố gắng thụ thai, thời điểm tốt nhất để quan hệ Tình dục không được bảo vệ là trong thời gian LH tăng vọt. Bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng (OPK) tại nhà đo nồng độ LH trong nước tiểu. Tốt nhất là bắt đầu kiểm tra mức độ khi cửa sổ thụ thai đang đến gần, hoặc một vài ngày trước khi rụng trứng. Hầu hết nữ giới rụng trứng trong khoảng từ 7 đến 19 ngày trước khi chu kì tiếp theo bắt đầu. Nhiều người rụng trứng vào ngày 14, nhưng điều này có thể thay đổi, tùy thuộc vào độ dài của chu kỳ của một người. Những người có chu kỳ ngắn hơn nên kiểm tra sớm hơn trong phạm vi ngày có khả năng.
7. Các phương pháp kiểm tra nồng độ LH hiệu quả nhất
Một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm tra sự tăng vọt của LH là Xét nghiệm máu. Bên cạnh đó, có rất nhiều chỉ điểm của thời điểm rụng trứng, bao gồm:
- Nồng độ LH trong nước tiểu
- Số ngày kể từ kỳ kinh cuối
- Kiểm tra dịch nhầy cổ tử cung
Tuy nhiên, cách tốt nhất để kiểm tra sự tăng cao của LH chính là:
- Xét nghiệm máu với chỉ định của bác sĩ
- Sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng (OPK) tại nhà
Nếu nghi ngờ bản thân đang có vấn đề với chức năng hormone LH, người bệnh sẽ cần sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa nội tiết.