1. HPV là gì?
HPV viết tắt của Human Papilloma Virus là một loại virus DNA không có vỏ bọc cùng nhóm với adenovirus hay parvovirus. Có nhiều loại HPV khác nhau, những loại virus này có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như mụn sinh dục và ung thư.
2. HPV lây lan như thế nào?
Có hơn 200 type HPV, trong đó có hơn 40 type lây qua đường tình dục. Quan hệ Tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm virus có thể làm bạn bị nhiễm HPV. Khi quan hệ với người nhiễm virus HPV, bạn khả năng bị lây nhiễm cao ngay cả khi người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì. HPV lây truyền qua đường Tình dục có tỉ lệ cao nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 24 và sau đó giảm dần. Có khoảng 20% đến 30% đàn ông và phụ nữ trẻ nhiễm nhiều virus HPV.
3. Nhiễm HPV ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Phần lớn những người nhiễm HPV đều tự khỏi và không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Trung bình, 50% các ca nhiễm HPV sẽ tự khỏi trong vòng 8 tháng và 90% tự khỏi trong vòng 2 năm. Thời gian tự khỏi khi nhiễm virus HPV nguy cơ cao kéo dài hơn thời gian nhiễm HPV nguy cơ thấp.
Khi không tự khỏi thì nó có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như mụn cơm và ung thư.
4. HPV và ung thư cổ tử cung
Nhiễm HPV có thể gây nên nhiều bệnh ung thư như: ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, vùng miệng họng, đặc biệt là Ung thư cổ tử cung.
- Các type HPV nguy cơ gây ung thư thấp như: 6, 11, 40, 42, 43, 44, 54, 55, 61, 70, 72, 81 và CP6108, liên quan đến u nhú đảo ngược ở bộ phận sinh dục và tổn thương nội mô vảy thấp.
- Các type HPV nguy cơ gây ung thư cao như: 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68 liên quan đến tổn thương nội mô vảy cao và ung thư biểu mô xâm lấn.
Trong đó HPV 16 gây ra khoảng 60% các trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV 18 khoảng 10% trường hợp. Mỗi loại HPV nguy cơ cao khác liên quan đến ung thư dưới 5% các trường hợp.
Khi một người nhiễm HPV không tự khỏi sẽ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thời gian phát triển dài, trung bình có khoảng từ 10 đến 15 năm tiến triển từ loạn sản đến ung thư. Đây là khoảng thời gian thuận lợi cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung, giúp phát hiện sớm và điều trị những tổn thương loạn sản cũng như ung thư giai đoạn sớm.
Có những yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển ung thư cổ tử cung từ nhiễm HPV: sinh nhiều con, giao hợp sớm, nhiều bạn tình, thuốc lá...
5. Vai trò của vắc-xin phòng ngừa HPV
Tiêm phòng Vắc-xin HPV là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cơm sinh dục cũng như các chủng HPV nguy cơ cao là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiền ung thư, ung thư.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, độ tuổi lý tưởng để tiêm Vắc-xin HPV là tất cả trẻ em, nam nữ, từ 11 tuổi - 12 tuổi nhưng cũng có thể được bắt đầu từ 9 tuổi đến 25 tuổi. Theo CDC, dù vắc-xin ngừa HPV không được khuyến nghị sử dụng cho độ tuổi từ 26 trở lên nhưng nhóm độ tuổi từ 27 - 45 tuổi có nguy cơ nhiễm virus HPV nhưng chưa từng tiêm vắc-xin vẫn có thể hữu ích.
6. Sự khác nhau giữa Xét nghiệm HPV và Xét nghiệm PAP
- Xét nghiệm HPV có giá trị khác với xét nghiệm PAP
Xét nghiệm PAP, cho biết có hay không những tổn thương nghi ngờ hay ác tính trên cổ tử cung.
Trong khi đó, xét nghiệm HPV sẽ nói hiện tại có đang bị nhiễm HPV hay không, nếu có là nhóm nào: nguy cơ cao hay nguy cơ thấp. Như đã nói ở trên, nhiễm HPV không có nghĩa là ung thư cổ tử cung, việc nhận định có nhiễm hay không có có nhiễm HPV không nói được tình trạng mô học hiện tại của cổ tử cung (bình thường, nghi ngờ hay ác tính). Một kết quả Xét nghiệm HPV âm tính chỉ có thể nói hiện tại người được thử không có tình trạng nhiễm HPV, nhưng không nói được trước kia đã bị nhiễm chưa và nếu có, hiện nay, liệu tình trạng nhiễm này đã đưa đến tổn thương cổ tử cung chưa.
Xét nghiệm HPV được sử dụng kèm với Xét nghiệm Pap giúp nâng cao khả năng sàng lọc các trường hợp nghi ngờ, cũng như giúp quá trình theo dõi bệnh chặt chẽ hơn. Cho tới hiện nay, ngay tại các nước đã phát triển, vốn có một chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung rất hiệu quả, nhưng vẫn khuyến cáo sử dụng xét nghiệm HPV cùng với xét nghiệm PAP, đây vẫn là công cụ sàng lọc đại trà đầu tiên.