Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh thường lành tính, diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng dễ lây lan và có thể phát thành dịch lớn. Bài viết hướng dẫn các bạn cách chăm sóc trẻ bị cúm
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Những tình huống lây bệnh cúm thường gặp

  • Khi người bệnh ho/hắt hơi làm phát tán virus vào tay, chân, quần áo, các đồ vật xung quanh; tay trẻ vô tình tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng nói trên, sau đó tay trẻ lại tiếp xúc với mắt, mũi, miệng của mình tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập vào cơ thể
  • Khi người bệnh ho/hắt hơi làm phát tán virus vào không khí, và có thể xâm nhập trực tiếp vào đường Hô hấp của những trẻ gần đó khi hít phải.

2. Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ

  • Sốt trên 38 độ C, có thể kèm theo ớn lạnh và đổ mồ hôi.
  • Ho khan, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Nhức đầu, đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
  • Cảm giác mệt mỏi và yếu.

3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ khi bị cúm

3.1. Hạ sốt

  • Khi trẻ Sốt ≥ 38,5oC cần:
  • Nới rộng quần áo cho trẻ.
  • Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng Cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.)
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của Bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có Sốt ≥ 38,5o

3.2. Vệ sinh đường hô hấp

  • Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi rút vẫn bám lại trên khăn.)Hàng ngày, nhỏ Dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
  • Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3.3. Dinh dưỡng

  • Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.
  • Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ

3.4. Phòng lây nhiễm

  • Cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi Ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
  • Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.
  • Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay?

3.5. Khi trẻ có những biểu hiện sau

  • Sốt cao liên tục ≥ 39ºC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Co giật
  • Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.
  • Trẻ khó thở, thở nhanh

4. Hướng dẫn phòng bệnh cúm ở trẻ

Hiện nay chưa có vắc xin chống lại tất cả các chủng Cúm. Tuy nhiên, các biện pháp đơn giản sau đây có thể giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm virus cúm cho trẻ:

  • Tiêm chủng: Tiêm phòng cúm được dành cho nhiều lứa tuổi, nhất là với những trẻ dưới 5 tuổi.
  • Giữ vệ sinh miệng họng nhất là sau khi cho trẻ ăn, sau khi trẻ ho, hắt hơi, thường xuyên vệ sinh tay chân cho trẻ.
  • Tránh cho trẻ dùng chung đồ chơi, tiếp xúc hay đến thăm những người bị cúm
  • Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
Tiêm chủng cúm là một trong các biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ nhiễm virus cúm cho trẻ
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung