Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách

05/10/2020
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách

Bệnh thuỷ đậu lưu hành quanh năm trên phạm vi cả nước, nhưng mùa đông xuân là thời điểm bùng phát. Tại các bệnh viện, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên với nhiều ca biến chứng nguy hiểm. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu thường gặp ở trẻ em với khả năng lây lan rất cao. Để giúp cho người nhà bệnh nhân biết cách chăm sóc trẻ và phát hiện xử trí kịp thời khi trẻ bị thủy đậu.

1. Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là một bệnh Truyền nhiễm do một loại virus mang tên Varicella Zoster Virus gây ra và chiếm trên 90% số đối tượng chưa tiêm phòng vaccine có khả năng mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và đối tượng trẻ bị thủy đậu chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi.

Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi... nhất là trẻ em.

Bệnh có thể lây từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh. Đặc biệt phụ nữ Mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai Nhi thông qua nhau thai.

2. Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu

Thời kỳ ủ bệnh : Từ 14-17 ngày (thường không có triệu chứng lâm sàng).

Thời kỳ khởi phát : Khoảng 1 ngày, có thể không sốt hoặc Sốt nhẹ, trẻ nhỏ thường không chịu chơi, quấy khóc. Có trường hợp Sốt cao 39- 40 độ C, trằn trọc mê sảng co giật, kèm theo viêm họng, viêm xuất tiết đường Hô hấp trên.

Thời kỳ toàn phát (thời kỳ mọc ban):

  • Thoạt đầu là những ban dát màu đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rất nông như đặt trên mặt da, sau từ 24 đến 48 giờ ngả màu vàng, có hình cầu nổi trên mặt da 2mm. Ban mọc rải rác toàn thân kể cả chân tóc và trong miệng, hầu như không có ở lòng bàn chân, bàn tay.
  • Ban mọc 3-4 ngày một đợt, vì vậy trên một vùng da có thể thấy nốt ban ở các độ tuổi khác nhau.
  • Sau từ 4-6 ngày, nốt thuỷ đậu tự khô, đóng vảy màu nâu sẫm và bong ra sau một tuần, không để lại Sẹo vĩnh viễn, trừ khi có loét và bội nhiễm
  • Biến chứng: Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp.... nếu không được chữa trị kịp thời.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách - ảnh 1
Sốt là triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu
  • Cho trẻ bị thủy đậu nằm trong phòng cách ly áp lực âm để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, khi ra viện vẫn phải cách ly đến khi khỏi hẳn.
  • Người chăm sóc cần đeo khẩu trang N95 (nếu chưa bị thủy đậu) hoặc khẩu trang ngoại khoa (nếu đã từng bị bệnh hoặc đã tiêm phòng thủy đậu). Nếu phải đưa trẻ ra khỏi phòng để khám chuyên khoa hoặc làm các thăm dò khác cần đeo khẩu trang cho trẻ. Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ.
  • Dùng dung dịch xanh-methylen hoặc Castellani để chấm lên các nốt phỏng đã vỡ hoặc mọng nước
  • Phối hợp dùng thuốc kháng sinh và/ hoặc thuốc hạ sốt cho trẻ bị thủy đậu theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng Dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng: Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm trong phòng tắm.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả, ăn nguội nếu trong miệng có các nốt phỏng/ loét.
  • Dùng dung dịch xanh-methylen hoặc Castellani để chấm lên các nốt phỏng đã vỡ hoặc mọng nước

Lưu ý:

  • Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo.
  • Không sử dụng các loại lá cây để tắm và đắp lên nốt thủy đậu của người bệnh.
  • Không được dùng những loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da khi không có chỉ định của bác sĩ.