Mục lục:

Kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng

Kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng được áp dụng để chẩn đoán những chấn thương và bệnh lý ở cẳng tay như gãy xương, trật khớp, viêm xương, các loại u xương một cách hiệu quả.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Cẳng tay là gì?

Vùng cẳng tay là vị trí được tính từ đoạn dưới nếp gấp khuỷu ba khoát ngón tay đến nếp gấp xa nhất ở cổ tay. Vùng cẳng tay được chia thành 2 vùng nhỏ đó là: vùng cẳng tay trước và vùng cẳng tay sau.

2. Chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng là gì? 

Kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng - ảnh 1

Chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng là kỹ thuật hình ảnh phổ biến dùng để đánh giá các tổn thương ở vùng cẳng tay một cách hiệu quả

Chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng là kỹ thuật hình ảnh phổ biến dùng để đánh giá các tổn thương ở vùng cẳng tay một cách hiệu quả. Kỹ thuật này chụp được toàn bộ cẳng tay ở tư thế ngửa, lấy cả khớp khuỷu và khớp cổ tay. Chụp ở hai bình diện: Thẳng và nghiêng.

Các tổn thương phổ biến cần chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng như: Gãy xương cẳng tay, trật khớp cẳng tay, hay các bệnh viêm xương, nhiễm trùng và các loại u xương lành tính và ác tính... Trong đó, gãy hai xương cẳng tay là tổn thương cần thiết phải áp dụng kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng nhất hiện nay.

3. Quy trình kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng

3.1 Chuẩn bị

  • Trước khi chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu cởi đồ trang sức và những vật dụng kim loại trên người để tránh được việc ảnh hưởng đến kỹ thuật chụp.
  • Bệnh nhân nếu đang nghi ngờ mang thai, hãy thông báo ngay với bác sĩ để tìm hướng giải quyết an toàn, tránh ảnh hưởng không tốt từ tia X tới thai Nhi trong bụng.
  • Có thể bệnh nhân sẽ được yêu cầu mặc trang phục của bệnh viện.
  • Bệnh nhân cần có phiếu chỉ định chụp X quang.
Kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng - ảnh 2
Trước khi chụp X quang, bệnh nhân sẽ được yêu cầu cởi đồ trang sức để tránh làm ảnh hưởng đến kỹ thuật chụp

3.2 Các bước tiến hành kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng

  • Quy trình thực hiện kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa và sự hỗ trợ của kỹ thuật viên điện quang.
  • Bệnh nhân bước vào phòng chụp X quang
  • Bác sĩ nhận giấy chỉ định chụp X quang và đối chiếu bộ phận cần chụp với Chấn thương lâm sàng của bệnh nhân.
  • Bác sĩ giải thích từng bước quy trình thực hiện kỹ thuật cho bệnh nhân nắm được.
  • Kỹ thuật viên điện quang điều chỉnh giá chụp, bóng cách khoảng 1m.
  • Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân ngồi cạnh bàn chụp X quang, bên khuỷu tay cần chụp của bệnh nhân duỗi thẳng, lòng bàn tay ngửa lên, mặt sau của cẳng tay được đặt sát phim chụp. Tư thế nghiêng khuỷu tay gập bờ ngoài cẳng tay áp sát phim.
  • Kỹ thuật điều chỉnh tia trung tâm vào giữa cẳng tay.
  • Tiến hành dán chữ (F) (T) tương ứng với tay của bệnh nhân vào tấm cảm biến số hóa.
  • Lưu họ tên, tuổi của bệnh nhân vào máy tính rồi chọn chương trình tương ứng với bộ phận cần chụp.
  • Kỹ thuật điều chỉnh yếu tố (48kv; 1,2mAs)
  • Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nín thở thời gian ngắn để thu được hình ảnh rõ nét nhất.
  • Đóng cửa phòng chụp và phát tia X quang.
  • Chụp xong bệnh nhân được hướng dẫn ra phòng chờ đợi kết quả.
  • Kỹ thuật viên điều chỉnh độ tương phản và kiểm tra sự cân đối các hình ảnh trên phim chụp.
  • In phim.

3.3 Đánh giá kết quả chụp

  • Kết quả đạt: Lấy trên một khớp và dưới một khớp, tối thiểu là một khớp gần nơi tổn thương nhất. Ở tư thế thẳng - nghiêng lấy được toàn bộ hai xương cẳng tay.
  • Chất lượng tia X quang: Sắc nét, độ tương phản cao.
  • Phim chụp X quang có ghi họ tên, tuổi của bệnh nhân, dấu (F) (T), ngày tháng năm chụp.
  • Bác sĩ tiến hành đánh giá tổn thương dựa trên hình ảnh trên máy tính thu được.
  • Bác sĩ có thể tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân nếu có yêu cầu

3.4 Tai biến và xử trí

Kỹ thuật chụp X quang cẳng tay thẳng nghiêng không có tai biến xảy ra.

Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ phải thực hiện lại kỹ thuật do bệnh nhân không giữ yên trong quá trình chụp phim nên dẫn đến kết quả chụp không được rõ nét, không thấy được rõ những tổn thương.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung