1. Tại sao lại có cơn đau ảo?
Đây là một cảm giác phổ biến xảy ra trong các ống tay, chân nơi họ cảm thấy đau ở vùng cơ thể đã không còn tồn tại. Cơn đau có thể từ một cơn đau nhẹ, như thể chân tay đã ngủ cho đến cảm giác Bỏng rát khó chịu và cảm giác đau nhói từng hồi. Đặc biệt các thương bệnh binh sau chiến tranh, dù lượng thuốc morphin được dùng rất cao, nhưng họ vẫn phải ngày đêm chịu đựng đau đớn.
“Cảm giác ma” là một cảm giác mới và bất thường xảy ra ở một phần cơ thể. Nó không giống với cảm giác đau. Hầu hết người bệnh có cảm giác này có thể hết sau vài ngày đến vài tuần.
“Đau chi ma” hay đau ảo là một đau dai dẳng sau khi mô cơ thể đã lành Sẹo và đặc trưng bởi triệu chứng đau và rối loạn cảm giác, được mô Tả bởi các từ ngữ như: Bỏng rát, co rút, đập mạnh, đau nhói, xoắn vặn, và cảm giác chi ở một vị trí bất thường. Cơn đau này có lúc liên tục, có lúc đau từng hồi.
Trước kia, cơn đau ảo được coi là một hiện tượng mang tính tâm lý, có nghĩa là các triệu chứng đau xuất phát từ tiềm thức thông qua mức độ căng thẳng và lo lắng, buồn bực thái quá. Điều này dễ được nhiều người mặc định và chấp nhận do họ nhận thấy vết thương đã lành, thậm chí người bệnh đã có thể đi lại, làm việc với sự hỗ trợ của các vật liệu nhân tạo như tay giả, chân giả... Chỉ bản thân người bệnh mới thực sự phải chịu đựng và chung sống với nỗi đau này. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của chứng đau chân tay ảo nhưng họ đã phát hiện ra rằng các triệu chứng của đau ảo hoàn toàn không phải là vấn đề tâm lý, mà là một phản ứng xuất phát trực tiếp từ tủy sống và Não bộ vùng nhận cảm đau.
Nhận thức về một chi bị mất không phải là tiêu chuẩn cho cơ thể con người lành lặn trước đó. Bộ não gần như bị rối loạn do không nhận được tín hiệu từ bộ phận cơ thể bị mất và phản ứng cơ bản của Não đối với sự “mất mát” đó gây nên đau ảo.
Ngày nay, với sự nghiên cứu sâu hơn với sự giúp đỡ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, thì người ta đã nghiên cứu sự thay đổi về mặt chức năng bằng cộng hưởng từ não, cụ thể là có sự thay đổi hình ảnh rất rõ ở phần não bộ chi phối cảm giác tương ứng với chân, tay đã bị cắt cụt và cơn đau ảo bắt nguồn từ sự thay đổi đó.
Vì vậy đau ảo thực sự là một bệnh và cần được hỗ trợ và điều trị.
2. Đau chi ma diễn ra khi nào?
Người bị cắt cụt chân tay do chấn thương, tai nạn, bệnh lý ác tính sẽ có nguy cơ bị đau âm ỉ kéo dài trong nhiều năm. Não bộ của những người này truyền tín hiệu qua các dây Thần kinh tới chỗ đau mà thực tế là chỗ đau đó không còn tồn tại nữa gây ra sự đau đớn giống như tình trạng tổn thương khi chi chưa bị cắt.
Cảm giác đau này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí rất nhiều người đã bị trầm cảm.
2.1. Đau trước khi cắt cụt
Đã có một vài nghiên cứu được tiến hành đã xem xét lý do tại sao đau ảo là phổ biến ở những bệnh nhân bị đau chân tay trước khi cắt cụt. Nghiên cứu tin rằng não sẽ lưu giữ một ký ức đặc biệt về cơn đau nếu như giai đoạn chân, tay bị chấn thương, đụng gập mà chưa được xử trí, đặc biệt là không được giảm đau tốt. Não sẽ tiếp tục gửi tín hiệu đau khắp cơ thể lúc có hoặc không có chi thực sự ở đó. Giai đoạn này thường xảy ra xung quanh thời điểm chân, tay bị tổn thương cấp tính.
2.2. Đau mỏm cụt
Thông thường, đau mỏm cụt xảy ra nếu có tổn thương thần kinh từ vết mổ và các dây thần kinh này tiếp tục phát triển một cách bất thường. Các tế bào thần kinh (đầu dây thần kinh đã bị tổn thương) sẽ tạo thành u thần kinh ở các mỏm cụt và việc đau đớn này sẽ ngày một tăng lên về mức độ đau và thời gian đau nếu không được điều trị kịp thời. Càng về sau, đau mỏm cụt sẽ liên tục âm ỉ ngày đêm và thường đau nhiều hơn về ban đêm.
2.3. Chân tay giả lắp không chuẩn
Việc tìm một bộ phận giả phù hợp với cơ thể có thể là một thách thức đòi hỏi sự kiên nhẫn và thử nghiệm - thay thế khi cần thiết. Việc mang chân giả là một phần rất quan trọng của sự phục hồi sau khi bị cắt cụt chi không chỉ về mặt hình thể bên ngoài mà còn liên quan đến mặt cảm xúc. Một chân tay giả không phù hợp có thể khiến người bệnh cảm thấy bị chèn ép, đau nhức và kích thích có thể tiến triển từ từ thành đau ảo.
3. Có thể giảm đau ngay tại nhà như thế nào?
Nghiệm pháp gương (Mirror Therapy) nhằm loại trừ những triệu chứng đau mãn tính do chi ma bằng phương pháp ảo ảnh.
Dùng một chiếc gương phẳng để tự thôi miên bằng hình ảnh với nguyên tắc là thay đổi nhận thức não bộ bằng cách khai thác ảo tưởng để giảm đau đớn cho bệnh nhân nhằm đánh lừa não bộ của người bệnh để não nhận thức rằng người bệnh đang quan sát phần cơ thể (tay, chân) không còn đó. Khi đó não người bệnh sẽ nghĩ là phần cơ thể bị mất vẫn tồn tại và cảm giác đau sẽ giảm bớt.
Bàn tay hoặc chân bị đau để trong hộp gương. Bàn tay hoặc chân nguyên vẹn để song song với gương, tạo nên một ảo ảnh giống như tay, chân cụt vẫn còn nguyên. Tưởng tượng và tập các động tác di chuyển, thả lỏng, cầm nắm cùng chiều và cùng với thời gian do bàn tay, chân lành tạo ra.
Liệu pháp gương này dễ thực hiện sớm ngay sau khi có cắt cụt chân; tay, không tốn kém, có thể làm hàng ngày giúp giảm được lượng thuốc giảm đau, cũng như tác dụng phụ của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nghiệm pháp này có ý nghĩa áp dụng ở một đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc như Việt Nam, một đất nước có tỷ lệ tai nạn giao thông rất cao và hiện tại là tỉ lệ ung thư mỗi ngày một tăng, nên tỉ lệ cắt cụt chân, tay rất cao nhằm hạn chế việc di căn từ xương, tổ chức sang các cơ quan khác.
4. Làm gì để hạn chế nguy cơ đau chi ma?
Đau chi ma là đau nguyên nhân thần kinh. Hiện tượng đau này có thể xuất hiện sớm nhất vào tuần thứ 2 và muộn nhất vào thời điểm 6 tháng sau phẫu thuật cắt cụt. Vậy mọi biện pháp sớm nhất, hiệu quả nhất để giảm đau ngay từ giai đoạn có tổn thương sẽ hạn chế được nguy cơ này.
Tại bệnh viện Vinmec, các kỹ thuật Gây tê chọn lọc vùng được thực hiện ở hầu hết các loại phẫu thuật, đặc biệt là các phẫu thuật liên quan đến chân, tay do chấn thương, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật ung thư...
Đau không được kiểm soát tốt trước mổ, cắt cụt chi trên, cắt cụt cả hai bên, cắt cụt ở phụ nữ và tình trạng lo lắng, trầm cảm trong suốt quá trình thương tổn là các nguy cơ cao dẫn đến đau chi ma. Vì vậy, người bệnh sẽ được kiểm soát đau sớm nhất, hiệu quả nhất ngay từ trước khi phẫu thuật sẽ tìm ra giải pháp nhằm ngăn chặn các tín hiệu đau trước khi nó được truyền về não bộ cụ thể bằng các kỹ thuật Gây tê thần kinh chi phối phần tay, chân đang bị thương tổn như:
- Kỹ thuật gây tê chọn lọc thân thần kinh lớn: Thần kinh ngồi, thần kinh đùi, thần kinh mác, thần kinh chày, thần kinh quay, thần kinh trụ, thần kinh giữa....
- Kỹ thuật gây tê đám rối thần kinh: đám rối thần kinh cánh tay, đám rối thần kinh thắt lưng....
Tất cả các kỹ thuật này đều được thực hiện bởi các bác sĩ điều trị đau có kinh nghiệm lâu năm dưới sự hướng dẫn của các máy móc siêu âm thần kinh, máy kích thích thần kinh... là những thiết bị hiện đại nhất đang được sử dụng trên thế giới hiện nay.
Mặt khác, với kỹ thuật này có thể làm nhiều lần trong quá trình liệu trình điều trị cùng đa mô thức ở giai đoạn đau cấp tính xung quanh cuộc mổ. Ngoài ra, chiến lược kiểm soát đau đa mô thức được thực hiện một cách kịp thời và có kế hoạch sẽ giúp giảm nguy cơ này sau mổ.
5. Làm gì để điều trị đau chi ma?
Một khi được chẩn đoán đau chi ma, cuộc sống của người bệnh sẽ rất khổ sở với sự hành hạ, đau đớn ngày lẫn đêm. Người bệnh có thể tự sử dụng liệu pháp gương tại nhà với đau chi ma do cắt cụt chân hoặc tay. Tuy nhiên, hiện tượng đau chi ma là một loại đau do mất bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (có thể là răng, vú, dương vật, ngón chân, ngón tay, hệ hiệu hoá...).
Có đến 70 % người bệnh phải chịu đựng đau chi ma sau cắt cụt và có đến 50 % trong số họ phải chịu đựng cơn đau này kéo dài 5 đến 7 năm sau đó.