Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Nghe kém - Lãng tai ở người lớn và những điều cần biết

10/12/2020
Nghe kém - Lãng tai ở người lớn và những điều cần biết

Lãng tai, nghe kém là một trong những vấn đề sức khỏe quan trọng, thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Lãng tai không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

1. Lãng tai, nghe kém ở người lớn là gì?

Nghe kém hay còn được gọi là lãng tai, là hiện tượng suy Giảm thính lực một cách đột ngột hay từ từ và có thể tiến triển tăng dần theo thời gian. Người bị lãng tai, nếu không phát hiện kịp thời và có phương pháp phục hồi thính lực hợp lý sẽ dễ dàng dẫn đến Giảm thính lực mạn tính hoặc thậm chí là điếc tai. Do đó, có thể gọi nghe kém là giai đoạn đầu của điếc.

Theo một thống kê trên The Gerontologist, hiện nay trên thế giới đang có khoảng hơn 1,3 tỷ người rơi vào tình trạng mất thính giác, trong đó có khoảng 13% người trong độ tuổi từ 40 - 49 tuổi bị giảm thính lực, có đến 45% người giảm thính lực ở độ tuổi từ 60 - 69 tuổi và 90% người trên 80 tuổi bị nghe kém. Con số này đang ngày càng tăng lên do dân số đang bị già đi nhanh chóng. Và một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người bị nghe kém có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với những người không bị suy giảm thính lực.

Các nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị nghe kém thường gặp trên lâm sàng:

  • Tuổi già: đó là nguyên nhân gây lãng tai phổ biến nhất thường gặp trên lâm sàng hiện nay. Cũng như các cơ quan bộ phận khác, các sợi dây Thần kinh thính giác cũng sẽ bị thoái hóa theo thời gian hoặc thậm chí bị phá hủy hoàn toàn, số lượng các tế bào lông chuyển ở cấu trúc tai trong cũng bị giảm dần. Điều này làm giảm khả năng tiếp nhận cũng như dẫn truyền thông tin của đôi tai mà gây nên tình trạng nghe kém. Theo nghiên cứu lâm sàng cho thấy cứ 3 người ở độ tuổi từ 65 - 74 tuổi thì sẽ có 1 người bị nghe kém. Và cứ sau 75 tuổi, số người mắc bệnh sẽ tăng lên 1 đến 2 người.
  • Tiếng ồn: bản chất của quá trình nghe chính là sự dao động và dịch chuyển cùng với âm thanh của các cấu trúc trong tai như màng nhĩ, tế bào lông chuyển, lưu chất trong ốc tai...Viện phòng ngừa và giáo dục sức khỏe quốc gia của Pháp đã chỉ ra ngưỡng cường độ âm thanh nguy hiểm cho tai là từ 85 decibel. Do đó, mọi âm thanh to với cường độ lớn và kéo dài đều có thể gây tổn thương cấu trúc trong tai dẫn tới suy giảm thính lực. Một người nếu nghe âm thanh với cường độ 120dB có thể bị đau tai, và nếu nghe với cường độ 130dB có thể dẫn đến bị điếc vĩnh viễn.
  • Thuốc: một số thuốc có thể gây tác dụng phụ dẫn đến việc giảm hoặc mất thăng bằng thính lực như kháng sinh, các dòng thuốc hóa trị liệu, aspirin, thuốc lợi niệu, thuốc điều trị Rối loạn cương dương hay thuốc điều trị bệnh Sốt rét.
  • Do bệnh tật: thường gặp nhất là các bệnh lý viêm nhiễm tại tai như viêm tai giữa, viêm tai trong hay viêm màng não... Ngoài ra, một số bệnh khác cũng có nguy cơ cao ảnh hưởng đến thính lực thường gặp như các bệnh lý về tim mạch, huyết áp và tiểu đường do các bệnh lý này đều có thể gây cản trở lượng máu lưu thông đến tai.
  • Do chấn thương: có thể do Chấn thương trực tiếp tại vùng tai làm thủng màng nhĩ hoặc Chấn thương gây nứt sọ Não cũng sẽ ảnh hưởng đến thính lực.
  • Do vệ sinh tai không đúng cách dẫn tới ráy tai quá nhiều bít tắc lỗ tai, giảm khả năng nghe hoặc thậm chí gây tổn thương tai và màng nhĩ trong quá trình vệ sinh tai.

Trên lâm sàng, nghe kém được chia làm 3 loại khác nhau:

  • Giảm thính lực dẫn truyền: liên quan đến tai ngoài và tai giữa.
  • Giảm thính lực tiếp nhận: liên quan trực tiếp đến tai trong.
  • Giảm thính lực hỗn hợp: liên quan đến cả tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Biểu hiện của chứng lãng tai ở người lớn:

  • Bị khó nghe hơn bình thường, nghe tiếng nói hay âm thanh khác bị nhỏ hơn bình thường.
  • Đôi khi không hiểu được lời của người khác nói hoặc nghe sai, nghe không đúng âm thanh phát ra, đặc biệt ở các chỗ đông người và ồn ào.
  • Thường xuyên yêu cầu người khác nói chuyện chậm, rõ và âm thanh phát ra phải to hơn.
  • Tăng âm lượng điện thoại, vô tuyến hay đài khi nghe.
  • Một số trường hợp có xu hướng né tránh các hoạt động xã hội, tự rút khỏi các cuộc trò chuyện do nghe kém.

Dựa vào khả năng nghe của bệnh nhân, người ta chia lãng tai thành các mức độ khác nhau như sau:

  • Lãng tai nhẹ: vẫn có thể nghe được khi nói chuyện chỉ có 2 người với nhau, nếu có tiếng ồn xung quanh sẽ bị khó nghe hơn.
  • Lãng tai trung bình: thường xuyên phải yêu cầu đối phương lặp lại câu nói khi giao tiếp.
  • Lãng tai nặng: không thể nghe được cuộc hội thoại bình thường nếu như không có máy trợ thính.
  • Lãng tai nghiêm trọng: hoàn toàn không nghe được người khác nói nếu như không có sự hỗ trợ của máy trợ thính hoặc cấy ốc tai.

2. Một số biện pháp phòng ngừa, hạn chế nguy cơ bị lãng tai

Để hạn chế nguy cơ bị lãng tai cần lưu ý một số điều như sau:

  • Có chế độ ăn uống sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế đường và không bổ sung quá nhiều chất béo, tăng cường vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe toàn thân cũng như hoạt động của bộ não.
  • Chăm sóc, vệ sinh tai thường xuyên và vệ sinh đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý chọc ngoáy lấy ráy tai bằng các vật sắc nhọn vì có thể gây tổn thương cấu trúc của tai nhất là thủng màng nhĩ.
  • Có biện pháp bảo vệ tai khi ra ngoài hay ở các nơi ồn ào, âm thanh lớn bằng cách sử dụng nút bịt tai chống tiếng ồn.
  • Tránh các hoạt động có thể dẫn đến nguy cơ chấn thương vùng tai.
  • Khám và kiểm tra sức nghe thường xuyên, không nghe các âm thanh quá lớn trong thời gian kéo dài. Nếu thấy tai có hiện tượng suy giảm thính lực cần đi khám ngay để được nghe lời khuyên cũng như tư vấn điều trị từ bác sĩ.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm soát cân nặng.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá...
  • Điều trị triệt để các bệnh lý toàn thân khác như bệnh tiểu đường, bệnh lý Tim mạch hay các bệnh lý tại vùng tai và Não bộ.

Lãng tai, nghe kém đến nay vẫn luôn là một vấn đề nan giải, xảy ra thường xuyên ở tuổi già. Những người bị lãng tai thường có xu hướng dễ bị trầm cảm do giảm khả năng nghe và thấu hiểu trong giao tiếp xã hội. Điều này tạo nên những suy nghĩ tiêu cực trong tâm lý của người bị bệnh. Do đó, hãy đi khám ngay khi thấy mình có dấu hiệu của nghe kém để được tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ dẫn đến điếc vĩnh viễn.