1. Xét nghiệm Pap là gì?
Xét nghiệm Pap, còn được gọi là Xét nghiệm Pap smear, là một kiểm tra mà bác sĩ sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Thông qua Pap, bác sĩ có thể quan sát thấy những thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, dự báo nguy cơ có thể biến thành ung thư thực sự sau này.
Xét nghiệm Pap được tiến hành khá đơn giản, thực hiện ngoại trú tại phòng khám bác sĩ phụ khoa, chỉ mất khoảng 10 đến 20 phút và sau đó bạn có thể ra về.
Để làm xét nghiệm Pap, người bệnh được hướng dẫn nằm trên bàn với hai chân dang rộng, đặt chắc chắn trên bàn đạp. Âm đạo cần được mở rộng bằng một dụng cụ chuyên biệt bằng kim loại, gọi là “mỏ vịt”. Thông qua đó, bác sĩ quan sát được cổ tử cung và sử dụng tăm bông để lấy mẫu tế bào tại chỗ. Mẫu bệnh phẩm sẽ được đặt trong một lọ nhỏ, có chứa chất bảo quản và được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi.
Xét nghiệm Pap hoàn toàn không có tai biến hay làm tổn thương gì đến người bệnh. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ nhạy cảm quá mức, xét nghiệm PAP đôi khi có thể gây ra hơi khó chịu hoặc một chút căng thẳng. Chính vì thế, việc giải thích cách thức thực hiện và ý nghĩa cần thiết của xét nghiệm này cho người bệnh hiểu rõ trước khi thực hiện là vô cùng cần thiết.
2. Thế nào là kết quả xét nghiệm Pap bất thường?
Kết quả xét nghiệm Pap sẽ được gửi lại trong vòng một vài ngày, nhận một trong hai giá trị là âm tính hoặc dương tính.
Với kết quả âm tính, đây thực sự là một điều tốt. Điều này có nghĩa là bác sĩ đã không tìm thấy bất kỳ tế bào lạ nào trong các tế bào phết được trên cổ tử cung của bạn. Bạn có thể yên tâm cho đến thời điểm được lên lịch làm xét nghiệm Pap tiếp theo.
Với kết quả dương tính, điều này không có nghĩa là bạn bị ung thư. Tùy vào từng mức độ, kết quả xét nghiệm Pap sẽ được phân tích khác nhau. Người bệnh cần được bác sĩ giải thích cụ thể cho từng trường hợp cũng như lên kế hoạch theo dõi kế tiếp.
2.1. Xét nghiệm Pap bất thường nguy cơ thấp
Nguyên nhân của xét nghiệm Pap bất thường nguy cơ thấp thường gặp nhất là bạn bị nhiễm virus HPV. Đây là một loại virus lây truyền qua đường Tình dục rất phổ biến. Có đến 8/10 người mắc phải vi trùng này trong đời mà không hề hay biết.
Thời điểm mà bạn có thể đã bị nhiễm virus là gần đây cho đến nhiều tháng hoặc nhiều năm trước. Tuy nhiên, nếu cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, bạn sẽ có khả năng loại bỏ sự nhiễm trùng này và kết quả Pap smearsẽ trở lại bình thường. Trong thực tế, hầu hết các phụ nữ sẽ loại bỏ sự nhiễm trùng HPV trong một đến hai năm
Tuy nhiên, ở một số rất ít phụ nữ, nhiễm trùng HPV không được loại bỏ mà vẫn tồn tại trong cổ tử cung. Trên các đối tượng này, nguy cơ diễn tiến bất thường sẽ phát triển đến ung thư trong các năm tiếp theo nếu không được điều trị. Chính vì vậy, bạn cần được theo dõi với một mẫu phết tế bào Pap lặp lại để đảm bảo nhiễm trùng đã được loại trừ. Nếu kết quả vẫn là bất thường, bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu hơn là soi cổ tử cung.
Soi cổ tử cung về mặt nguyên tắc cũng giống như phết tế bào Pap thông qua việc đặt mỏ vịt. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên phụ khoa và dùng đến máy soi cổ tử cung.
Soi cổ tử cung là bước kế tiếp của Pap smear để xác chẩn kết quả có thực sự là bất thường nguy cơ thấp hay không. Nếu thực sự như vậy, bạn sẽ không cần điều trị gì và được tiếp tục được theo dõi mỗi năm cho đến khi kết quả xét nghiệm Pap smear trở lại bình thường.
Tuy nhiên, mặc dù hiếm nhưng đôi khi soi cổ tử cung lại phát hiện ra các bất thường nguy cơ cao. Lúc này, bạn có thể cần phải sinh thiết và/hoặc bắt đầu điều trị theo đúng phác đồ.
2.2. Xét nghiệm Pap bất thường nguy cơ cao
Kết quả này không có nghĩa là bạn bị ung thư, nhưng nó rất quan trọng vì rất có khả năng bạn đã bị nhiễm virus HPV từ lâu và có thể dẫn đến ung thư trong những năm tiếp theo nếu không được điều trị.
Điều tốt nhất cần làm tiếp theo là bạn thực hiện soi cổ tử cung. Nếu kết quả soi cổ tử cung vẫn xác nhận rằng các tế bào bất thường nguy cơ cao, sinh thiết cổ tử cung là bước kế tiếp. Và đây cũng là xét nghiệm cuối cùng cần làm, là “tiêu chuẩn vàng” của xác chẩn ung thư.
Ngược lại, nếu soi cổ tử cung chỉ cho thấy tế bào bất thường nguy cơ thấp, bạn sẽ không cần phải sinh thiết.
2.3. Xét nghiệm Pap bất thường tế bào tuyến và tế bào vảy
Các tế bào tuyến của cổ tử cung nằm chủ yếu ở ống cổ tử cung trong khi tế bào vảy nằm bên ngoài cổ tử cung. Cũng như sự thay đổi của các tế bào cổ tử cung nói chung, bất thường ở các tế bào tuyến và tế bào vảy cũng có nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm HPV và có nguy cơ diễn tiến đến ung thư. Chính vì vậy, ở những phụ nữ này, cần được bắt đầu điều trị để ngăn ngừa biến chứng ác tính.
Tuy nhiên, trước đó cũng cần xác chẩn thêm một lần nữa bằng soi cổ tử cung và/hoặc sinh thiết.
3. Ai nên làm xét nghiệm Pap?
Hầu hết các phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65 đã lập gia đình hay đã có hoạt động tình dục nên được xét nghiệm Pap mỗi 3 năm/lần.
Bạn có thể cần kiểm tra thường xuyên hơn nếu:
- Có người thân trực hệ mắc ung thư cổ tử cung hay các loại ung thư nói chung;
- Đã từng có kết quả xét nghiệm Pap bất thường;
- Bị Suy giảm miễn dịch hoặc dương tính với HIV;
- Mẹ bạn từng sử dụng diethylstilbestrol (một loại estrogen tổng hợp) khi Mang thai bạn.
Trong khoảng thời gian đang mang thai, người phụ nữ vẫn có thể làm xét nghiệm Pap, thậm chí còn có thể thực hiện soi cổ tử cung nếu có chỉ định. Các thao tác lấy mẫu bệnh phẩm trong khi Mang thai đều không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi, tuy nhiên, nếu kết quả là bất thường và cần điều trị thì sẽ được trì hoãn cho đến khi em bé được sinh ra.
Tóm lại, ung thư cổ tử cung là một loại ung thư rất thường gặp ở nữ giới. Để tầm soát bệnh lý này, cần xét nghiệm Pap định kỳ kết hợp thăm khám tổng quát. Đây là cách thức đơn giản nhất giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, ngăn chặn diễn tiến đến ác tính thực sự.
Nguồn tham khảo: cdc.gov; webmd.com