Tổn thương nội biểu mô cổ tử cung (CIN) là gì?
Tổn thương nội biểu mô cổ tử cung còn được gọi là dị sản cổ tử cung, Loạn sản cổ tử cung hay nghịch sản cổ tử cung, thường viết tắt là CIN (theo tên tiếng Anh Cervical Intraepithelial Neoplasia). Đây là tình trạng tế bào bao phủ cổ tử cung phát triển bất thường nhưng mới diễn ra ở phần trên của lớp tế bào đáy, chưa xâm lấn vào mô đệm của cổ tử cung. Hầu hết tổn thương xảy ra ở vùng chuyển tiếp của cổ tử cung (tức ranh giới giữa biểu mô lát và biểu mô trụ).
CIN là những tổn thương tiền ung thư của tế bào biểu mô cổ tử cung. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus). Bệnh thường phát triển ở phụ nữ tuổi từ 25 - 35. Tổn thương nội biểu mô cổ tử cung có thể tồn tại lâu hoặc tự khỏi nhờ hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển thành ung thư. Và điều trị tổn thương ở giai đoạn sớm có thể phòng ngừa được Ung thư cổ tử cung.
Các cấp độ tổn thương nội biểu mô cổ tử cung (CIN)
Các tổn thương CIN được chia thành 3 cấp độ là CIN 1 2 3. Vậy CIN 1 là gì? CIN 2, 3 là gì? Có đặc điểm gì? Thông tin cụ thể như sau:
- CIN 1: Dị sản nhẹ: Các tế bào bất thường phát triển ở 1⁄3 dưới của lớp biểu mô cổ tử cung. Bệnh nhân có thể tự khỏi nhờ hệ thống miễn dịch của cơ thể sau một vài năm mắc bệnh vì tỷ lệ tự thoái triển là 57%, chỉ 32% CIN 1 tiếp tục tồn tại, 11% sẽ tiến triển và nguy cơ phát triển thành ung thư chỉ 1%;
- CIN 2: Dị sản vừa: Tổn thương ở 2⁄3 dưới của lớp biểu mô cổ tử cung. Ở cấp độ này, có 43% trường hợp tổn thương sẽ tự thoái triển, 35% tổn thương tiếp tục tồn tại, 22% sẽ tiến triển và nguy cơ phát triển thành ung thư xâm lấn là 5%;
- CIN 3: Dị sản nặng: Tổn thương ở toàn bộ lớp biểu mô cổ tử cung, dễ nhầm lẫn với ung thư cổ tử cung tại chỗ. Bước sang cấp độ dị sản nặng, có 32% trường hợp tổn thương sẽ thoái triển, tỷ lệ tổn thương tiếp tục tồn tại là <56% và có >12% sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Ung thư thường trải qua từng giai đoạn CIN 1, CIN 2 và CIN 3. Các tổn thương biểu mô CIN 2 và CIN 3 vẫn có thể xảy ra mà không cần phải có CIN 1 trước đó. Những tổn thương CIN 2, CIN 3 có thể phát triển từ tổn thương CIN 1 hoặc phát triển trực tiếp từ các tổn thương do nhiễm virus HPV tồn tại kéo dài (70% ca bệnh là do 2 tuýp HPV 16 và HPV 18). Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm tình trạng nhiễm HPV để có biện pháp can thiệp sớm là vô cùng cần thiết. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) là phương pháp được áp dụng rộng rãi để xác định tổn thương nội biểu mô cổ tử cung (CIN).
Điều trị tổn thương nội biểu mô cổ tử cung
Tổn thương nội biểu mô cổ tử cung có thể tự thoái triển mà không cần điều trị. Nếu bệnh nhân điều chỉnh chế độ sống theo hướng khoa học hơn, CIN sẽ thoái triển nhanh hơn. Một số lưu ý cho bệnh nhân là nên tăng cường chế độ ăn uống nhiều rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá và sống chung thủy, dùng bao cao su khi sinh hoạt tình dục,...
Trong trường hợp CIN 1, CIN 2 tồn tại kéo dài hoặc phát hiện tổn thương ở cấp độ CIN 3 thì bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách cắt bỏ tổn thương hoặc phá hủy các tế bào của biểu mô cổ tử cung bằng một trong những phương pháp như: Đốt điện, đốt lạnh với N2O, đốt laser CO2, khoét chóp cổ tử cung, LEEP (Loop Electrosurgical Excision Procedure) hoặc LLETZ (Large Loop Excision of the Transformation Zone).
Tổn thương nội biểu mô cổ tử cung (CIN) có thể dẫn tới tiền ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, phụ nữ cần định kỳ kiểm tra sức khỏe sinh sản, làm các Xét nghiệm cần thiết như phết tế bào cổ tử cung để kịp thời phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị tốt nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, tiêm vắc-xin ngừa HPV là biện pháp giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả và an toàn.