Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Phát hiện và điều trị vẹo cổ ở trẻ nhỏ

02/06/2021
Phát hiện và điều trị vẹo cổ ở trẻ nhỏ

Tật vẹo cổ ở trẻ nhỏ do rất nhiều nguyên nhân gây ra nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý về các nhóm cơ ở vùng cổ, đặc biệt là xơ hóa cơ ức đòn chũm. Nếu được phát hiện và điều trị vẹo cổ sớm sẽ hạn chế được biến chứng và có khả năng điều trị tốt hơn so với việc điều trị muộn. Vì thế các bậc cha mẹ cần chú ý quan sát để đưa trẻ đến các trung tâm y tế thăm khám và điều trị.

1. Tật vẹo cổ ở trẻ nhỏ là gì?

Tật vẹo cổ ở trẻ nhỏ có biểu hiện đầu nghiêng sang bên, cằm quay sang bên đối diện so với đầu. Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát để phát hiện sớm. Việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao, thời gian cũng được rút ngắn hơn.

Nguyên nhân chính gây ra vẹo cổ ở trẻ em là do bệnh lý về các nhóm cơ ở vùng cổ, đặc biệt là xơ hóa cơ ức đòn chũm. Đây là hiện tượng xơ hóa một phần cơ ức đòn chũm do tư thế nằm không đúng trong bào thai của trẻ hoặc một số tai biến trong Sản khoa khi sinh dẫn đến hạn chế tầm vận động của cột sống cổ.

Phát hiện và điều trị vẹo cổ ở trẻ nhỏ - ảnh 1
Vẹo cổ ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm

2. Phát hiện tật vẹo cổ ở trẻ nhỏ

Việc phát hiện khối xơ hóa có thể thấy ngay sau khi sinh, cảm giác cơ 1 bên cổ cứng, mật độ hơi chắc, di động theo cơ ức đòn chũm, to nhanh trong những tháng đầu, không nóng đỏ, không gây quấy khóc ở trẻ. Bên cạnh đó, cử động cổ của trẻ bị hạn chế, đầu nghiêng sang bên có khối xơ, hạn chế nghiêng sang bên lành và xoay hai bên.

Để thấy được rõ hơn, khi sờ 2 bên vùng cổ có thể phát hiện thấy một bên cạnh của cổ gồ lên hình dạng một bướu nhỏ và căng cứng hơn bình thường, trẻ thường nhìn về một phía. Nếu trẻ bị vẹo cổ do tật cơ không được chẩn đoán và điều trị sớm lâu dần sẽ gây nên các thương tật thứ cấp ở trẻ như: cột sống cổ, các đốt sống cổ có thể bị biến dạng gây vẹo cột sống, Mắt lác, xa hơn nữa mặt trẻ có thể bị bị lép một bên, đầu méo...

Phát hiện và điều trị vẹo cổ ở trẻ nhỏ - ảnh 2
Trẻ có thể bị vẹo cột sống do vẹo cổ

Siêu âm cơ ức đòn chũm, cơ thang 2 bên và phần mềm vùng cổ Thăm dò chức năng có thể giúp đánh giá tình trạng bệnh, nguyên nhân gây vẹo cổ. Trong giai đoạn đầu, khối tổn thương vùng cổ có thể là dịch (xuất huyết) nhưng ít gặp, siêu âm giai đoạn sau là tổ chức xơ.

Ngoài ra, trẻ có thể được chỉ định chụp X-quang cột sống cổ để đánh giá tình trạng Cong vẹo cột sống ở trẻ được phát hiện muộn, khi cơ ức đòn chũm đã co rút nhiều.

3. Điều trị vẹo cổ ở trẻ nhỏ

Để điều trị tốt vẹo cổ do tật cơ, đặc biệt do xơ hóa cơ ức đòn chũm thì trước hết cần phải phát hiện sớm và can thiệp ngay trong giai đoạn đầu. Phương pháp được ưu tiên lựa chọn là điều trị bằng vật lý trị liệu-phục hồi chức năng. Đây là phương pháp điều trị bảo tồn an toàn và đem lại hiệu quả tốt nếu trẻ được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công đạt > 90%.

Việc sử dụng các phương pháp Vật lý trị liệu tác động trực tiếp lên vị trí cơ tổn thương làm mềm khối xơ, kết hợp tập luyện, kéo giãn nhằm duy trì, tăng tầm vận động của cột sống cổ, ngăn ngừa biến dạng thứ phát xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ.

Với các trường hợp xơ hóa cơ ức đòn chũm điều trị bảo tồn thất bại, trẻ đến muộn, khối xơ hóa nhiều làm co rút cơ ức đòn chũm, hạn chế nhiều cử động cột sống cổ cần được xem xét tiến hành can thiệp phẫu thuật. Sau can thiệp trẻ vẫn cần được tập luyện phục hồi chức năng và điều chỉnh tư thế. Đeo nẹp cổ mềm cũng là 1 chỉ định điều trị hỗ trợ giúp trẻ phục hồi chức năng và điều chỉnh tư thế cổ tốt hơn.

Phát hiện và điều trị vẹo cổ ở trẻ nhỏ - ảnh 3
Trẻ bị vẹo cổ cần điều trị bằng vật lý trị liệu-phục hồi chức năng

Việc phát hiện sớm bệnh vẹo cổ sẽ giúp trẻ có cơ hội điều trị bệnh cao trong thời gian ngắn. Vì thế, khi các bậc cha mẹ phát hiện trẻ có bất thường tư thế cột sống cổ và đầu, hạn chế cử động quay, xoay cổ thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp điều trị sớm để có kết quả tốt nhất.