1. Dính khớp quay trụ bẩm sinh
Cẳng tay có chức năng sấp và ngửa, chức năng này có thể bị hạn chế do dính khớp quay trụ bẩm sinh và một số nguyên nhân khác. Tỉ lệ mắc dính khớp quay trụ bẩm sinh ở bé trai/gái là 3/2, 60% bị dị tật cả 2 bên, 30% thường phối hợp với các dị tật bẩm sinh khác như: trật xương quay hoặc Trật khớp háng bẩm sinh.
Cơ chế bệnh sinh:
- Trong thời kỳ bào thai, xương trụ và xương quay có 1 thời điểm được nuôi dưỡng bởi cùng màng xương.
- Sự bất thường xảy ra ở thời gian này dẫn tới sự bất thường trong chia tách màng xương của hai xương. Thông thường, sự bất thường này khó được phát hiện trước thời niên thiếu.
- Khoảng 1/3 các ca dính khớp quay trụ bẩm sinh có liên quan tới sự bất thường hệ cơ xương vận động.
Phân loại dính khớp quay trụ bẩm sinh:
- Loại 1: Đầu xương quay trụ dính vào nhau hoặc có thể không có chỏm xương quay.
- Loại 2: Chỏm xương quay biến dạng và trật khớp ra trước hoặc sau.
Có thể phát hiện dính khớp quay trụ bẩm sinh này ở tuổi sơ sinh nếu được thăm khám toàn diện. Thường khuyết tật được chú ý vào tuổi thiếu Nhi khi tầm vận động sấp ngửa bị mất. Tư thế cẳng tay thay đổi tuỳ mỗi bệnh nhân và ảnh hưởng đến chức năng.
2. Phẫu thuật dính khớp quay trụ bẩm sinh
Chỉ định phẫu thuật dính khớp quay trụ bẩm sinh:
- Góc cẳng tay cố định sấp > 60 °.
- Trường hợp trẻ có hạn chế chức năng: bê bát cơm, uống nước bằng cốc, khó khăn khi sử dụng muỗng thìa hoặc đũa, khó khăn khi rửa mặt, khó khăn khi cài cúc quần áo.
Chống chỉ định phẫu thuật với các trường hợp rối loạn đường máu, nhiễm trùng cấp tính.
Các bước chuẩn bị:
- Người thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo về phẫu thuật chỉnh hình.
- Phương tiện: Bộ dụng cụ xương, đinh kirschner, dẫn lưu, chỉ khâu các loại.
- Người bệnh: Vệ sinh vùng mổ.
- Hồ sơ bệnh án: Theo quy định của Bộ Y tế.
Các bước tiến hành phẫu thuật dính khớp quay trụ bẩm sinh:
- Kháng sinh dự phòng trước mổ
- Gây mê toàn thân kèm theo Gây tê vùng
- Vô trùng vùng mổ
- Rạch da dài 3cm mặt sau - trong cẳng tay, cách mỏm Trâm trụ 2cm, bộc lộ xương trụ.
- Rạch da dài 5cm mặt trước ngoài cẳng tay, cách nếp khuỷu 5cm, bộc lộ xương quay
- Bộc lộ xương quay: qua da, cân tiến hành bộ lộ xương quay. Xác định khu vực dính xương xương quay và xương trụ. Sử dụng cưa dây cắt ngang, rời xương quay ở vị trí dưới khu vực dính hai xương 1 -1,5cm, thu ngắn xương khoảng 0,5- 1 cm.
- Bộc lộ xương trụ: qua da, tách bộc lộ đầu dưới xương trụ. Tiến hành cắt rời xương trụ cách mỏm Trâm trụ 3 -5 cm, thu ngắn xương khoảng 0,5- 1 cm.
- Tiến hành xoay ngửa để cẳng tay ở vị trí sấp 10°- 30°. Xuyên đinh Kirschner từ mỏm trâm quay và trâm trụ về trung tâm. Bẻ cong đầu đinh
- Bất động cẳng tay bằng bột tại bàn mổ
Kỹ thuật cắt xương quay và xương trụ, xoay cẳng tay về vị trí trung gian là kỹ thuật đơn giản và an toàn cho bệnh nhân dính khớp quay trụ bẩm sinh.