Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Que cấy tránh thai Implanon có tác dụng trong bao lâu?

28/07/2021
Que cấy tránh thai Implanon có tác dụng trong bao lâu?

Với ưu điểm chỉ cần 1 que cấy là có thể ngừa thai được trong vòng 3 năm, Implanon hiện đang là dòng que cấy tránh thai được nhiều người ưa chuộng.

1. Que cấy tránh thai Implanon có tác dụng gì?

Que cấy tránh thai là những ống bằng chất dẻo có chứa thuốc tránh thai. Được cấy dưới da tay không thuận của phụ nữ. Trong que cấy này sử dụng Nội tiết tố Etonogestrel hoặc levonorgestrel. Nội tiết tố này có tác dụng ức chế rụng trứng, làm mỏng nội mạc tử cung và làm cho dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng. Đây được xem là phương pháp tránh thai hiện đại và có độ an toàn gần tuyệt đối.

Khi cấy que ngừa thai, Bác sĩ sẽ Gây tê mặt trong cánh tay không thuận của bạn (thường là tay trái), sau đó dùng một dụng cụ chuyên biệt để luồn que cấy dưới da. Thủ thuật khá nhẹ nhàng và nhanh chóng. Bạn sẽ cảm nhận que cấy giống như một cây tăm ở dưới da. Khi tháo bỏ thì Bác sĩ cũng sẽ Gây tê rồi dùng dụng cụ gắp ra nhẹ nhàng.

2. Que cấy tránh thai có tác dụng trong bao lâu?

Implanon: 1 que, tác dụng 3 năm được sử dụng rất nhiều nhờ kĩ thuật cấy đơn giản, hiệu quả tránh thai tốt. Que cấy tránh thai Implanon là một trong những biện pháp tránh thai dài hạn rất được ưa chuộng hiện nay và được nhiều phụ nữ lựa chọn bởi tính tiện lợi, hiệu quả tránh thai và thời gian tránh thai được lâu.

Que cấy tránh thai được làm bằng chất dẻo, nhỏ như que diêm, được cấy dưới da ở mặt trong cánh tay. Progestin trong que cấy được giải phóng vào cơ thể, tác dụng làm đặc chất nhầy cổ tử cung và ngừa rụng trứng.

Cần lưu ý là biện pháp này không phòng được HIV / AIDS và các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục.

Que cấy tránh thai Implanon có tác dụng trong bao lâu? - ảnh 1
Biện pháp này không phòng được HIV / AIDS và các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục

3. Que cấy tránh thai có nhiều ưu điểm vượt trội

  • Hiệu quả cao thuộc hàng “top” trong các biện pháp ngừa thai lên tới hơn 99%.
  • Tác dụng lâu dài 3 năm. Khi nào muốn có con trở lại bạn chỉ việc tháo bỏ que cấy ra. 90% phụ nữ sẽ rụng trứng 3-4 tuần sau tháo que.
  • Cấy dưới cánh tay khá nhẹ nhàng, kín đáo, người ngoài khó nhận ra được.
  • Thích hợp cho những bạn hay “nhớ nhớ quên quên” mà việc nhớ uống thuốc ngừa thai mỗi ngày là một khó khăn lớn.
  • Thích hợp với những bạn không dùng được thuốc vỉ ngừa thai có chứa estrogen: Đang cho con bú, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường, trên 40 tuổi...
  • Không lo các biến chứng của đặt vòng ngừa thai trong lòng tử cung như viêm nhiễm vùng sinh dục, vòng tuột thấp làm có thai ngoài ý muốn, không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.
  • Có thể làm cho bạn giảm lượng máu kinh và đau bụng kinh.

4. Một số điều cần lưu ý sau khi cấy que tránh thai Que cấy tránh thai Implanon có tác dụng trong bao lâu? - ảnh 2

Phụ nữ bị ung thư vú hoặc nghi ngờ ung thư vú không nên sử cụng que tránh thai

Khi sử dụng que cấy tránh thai, phụ nữ cần phải lưu ý một số điều sau:

  • Thời điểm tốt nhất để cấy que tránh thai là 5 – 7 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt và chưa có quan hệ tình dục. Điều này nhằm chắc chắn rằng phụ nữ không có thai trước khi sử dụng biện pháp cấy que.
  • Sau khi cấy que tránh thai 1 ngày thì vợ chồng có thể quan hệ bình thường. Vì que cấy có tác dụng sau 24 giờ sau khi cấy.
  • Que cấy tránh thai gây ra một số tác dụng phụ như: vô kinh, ra máu thấm giọt âm đạo, ra máu âm đạo nhiều hoặc kéo dài, đau hạ vị, đau sau khi cấy que.
  • Trong 24 giờ đầu tiên sau khi cấy que tránh thai, phụ nữ nên giữ vùng da cấy que khô ráo, tránh dính nước.
  • Ngoài ra phụ nữ cần phải chú ý đến thời hạn sử dụng của que cấy và tiến hành đi thăm khám định kỳ 3 tháng 1 lần.
  • Tuyệt đối không tự đặt que tránh thai hoặc tới các cơ sở y tế không uy tín, kĩ thuật cấy không đúng, que cấy kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh... sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Ngoài ra, khi gặp một số trường hợp sau, phụ nữ cần lưu ý không sử dụng que cấy tránh thai.

  • Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ mới có thai
  • Phụ nữ bị ung thư vú hoặc nghi ngờ ung thư vú.
  • Người đang bị ban đỏ, ra máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân.
  • Người đang có bệnh gan cấp tính hoặc bị u gan.
  • Người bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi.