Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm nội soi đường trực tràng

01/09/2020
Sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm nội soi đường trực tràng

Ung thư tiền liệt tuyến được biết đến là loại ung thư phổ biến và nguy hiểm chỉ đứng sau ung thư phổi. Sinh thiết tiền liệt tuyến là một kỹ thuật chủ yếu được sử dụng để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.

1. Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm trong cơ quan sinh dục của nam, có hình dạng như quả óc chó. Tiền liệt tuyến thực hiện vai trò sản xuất chất dịch để nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

Thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa về tiết niệu và cơ quan sinh dục nam. Các bác sĩ thực hiện lấy các mẫu mô tế bào nghi ngờ từ tuyến tiền liệt đem phân tích bằng kính hiển vi.

2. Sinh thiết tuyến tiền liệt được thực hiện khi nào?

Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và trên các kết quả Xét nghiệm bổ trợ, việc sinh thiết tiền liệt tuyến được thực hiện khi bác sĩ có sự nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh nhân nên thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt khi:

  • Trong quá trình thăm khám trực tràng bác sĩ tìm thấy các khối u hoặc các bất thường khác liên quan.
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến (PSA) vượt mức bình thường theo lứa tuổi.
  • Sau lần sinh thiết trước theo dõi kết quả Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến trong máu tăng cao.
  • Sau lần sinh thiết trước đây tìm thấy các mô tế bào tuyến tiền liệt có bất thường nhưng không phải là ung thư.

3. Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì khi sinh thiết tuyến tiền liệt?

Trước khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân cần uống thuốc hoặc thụt tháo để đi ngoài sạch sẽ
  • Thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ siêu âm qua đường hậu môn trực tràng. Do vậy, trước khi thực hiện thủ thuật sinh thiết, bệnh nhân cần uống thuốc hoặc dùng phương pháp thụt tháo để đi ngoài sạch sẽ.
  • Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân cần ngưng dùng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến việc đông máu như: Aspirin, warfarin; các loại thuốc kháng viêm không steroid như Ibuprofen, và một số sản phẩm chức năng gốc thảo Dược từ 6 đến 7 ngày.
  • Bệnh nhân thực hiện thụt tháo hậu môn trực tràng tại nhà trước khi đến sinh thiết. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn vùng sinh thiết do lây nhiễm từ phân qua.
  • Để tránh nhiễm khuẩn sau khi sinh thiết, trước 30 - 60 phút thực hiện thủ thuật bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh theo đơn của bác sĩ.
  • Thực hiện xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến (PSA) để đánh giá tình trạng chảy máu, đông máu.
  • Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký phiếu chấp thuận. Bệnh nhân nên đọc kỹ phiếu chấp thuận và đặt câu hỏi cho bác sĩ chuyên khoa nếu còn vấn đề thắc mắc chưa được giải đáp.

4. Thực hiện thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm Nội soi đường trực tràng

  • Đối với sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm nội soi đường trực tràng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm nghiêng, co gối lên đến ngực.
  • Vệ sinh vùng sinh thiết và thoa gel gây tê
  • Thực hiện thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm nội soi trực tràng, bác sĩ nhẹ nhàng đưa qua lỗ hậu môn của bệnh nhân một đầu dò siêu âm nhỏ, trên đầu dò có bộ phận gắn kim và súng sinh thiết. Thông qua hình ảnh để các bác sĩ xác định khu vực cần được tiêm thuốc Gây tê (nếu cần).
  • Trong quá trình thiết bị sinh thiết, bác sĩ sẽ sử dụng một loại kim nhỏ để lấy một số mẫu mô tế bào từ tuyến tiền liệt của bệnh nhân.
  • Bác sĩ có thể chỉ lấy vùng nghi ngờ để sinh thiết hoặc có thể lấy mẫu ở nhiều nơi trong tuyến tiền liệt. Thông thường, bác sĩ sẽ lấy từ khoảng 10 mẫu hoặc nhiều hơn nếu cần thiết.
  • Toàn bộ quá trình thực hiện thủ thuật thường mất khoảng 30 phút.
  • Các mẫu mô được lấy ra từ quá trình sinh thiết tuyến tiền liệt sẽ được mang đến phòng giải phẫu chuyên khoa và phân tích dưới kính hiển vi. Phát hiện những bất thường của mô tế bào là các dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến.
  • Trường hợp nếu phát hiện mắc bệnh ung thư, bệnh nhân cần đánh giá để xác định khả năng phát triển của bệnh nhằm tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

5. Nhận định kết quả sinh thiết

Sau khi có kết quả sinh thiết, bác sĩ điều trị sẽ phân tích kết quả cho bệnh nhân

Sau khi các mô tế bào được phân tích, bác sĩ có thể cho biết mô được cắt bỏ có phải là ung thư hay không? Nếu mô bị ung thư thì sẽ đánh giá mức độ ác tính của ung thư.

Bác sĩ Giải phẫu bệnh sẽ ghi nhận vào báo cáo Giải phẫu bệnh được gửi cho bác sĩ điều trị. Sau đó, bác sĩ điều trị sẽ phân tích kết quả sinh thiết cho bệnh nhân.

6. Sau thủ thuật bệnh nhân cần lưu ý những gì?

Sau thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kháng sinh trong vài ngày tiếp theo. Sau sinh thiết, một số trường hợp có thể cảm thấy hơi đau và chảy ít máu từ vùng hậu môn trực tràng. Tình trạng này có thể kéo dài trong vòng 1 tháng.

Nếu gặp những dấu hiệu sau hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa hoặc đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời:

  • Chảy máu kéo dài,
  • Đau nhiều mà không có dấu hiệu giảm,
  • Sưng tấy gần nơi sinh thiết,
  • Đau khi đi tiểu
  • Sốt cao
  • Dịch tiết ra từ dương vật,
  • Sau sinh thiết, có thể hay gặp một số vấn đề như: cảm giác đau nhẹ (sẽ giảm dần và hết sau vài giờ), cảm giác mót đại tiện, đi ngoài ra phân dính máu đông hoặc chút máu tươi (sẽ giảm dần và hết trong vòng 36h đầu).
  • Một số biến chứng ít gặp: đái máu, chủ yếu khi sinh thiết nhiều mảnh; Bí tiểu (không đái được mặc dù rất mót tiểu, có thể giải quyết bằng đặt sonde tiểu); nhiễm trùng.

Tổng hợp theo: Vinmec.com