U nhú thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

U nhú thanh quản là tình trạng tổn thương thanh quản và khí quản. Đây là u lành tính thanh quản, do sự quá sản của các tế bào vảy, hình thành các u nhú nhỏ và phát triển thành các nốt sần thanh quản. Bệnh gặp ở cả người lớn và trẻ em với những diễn biến lâm sàng khác nhau.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nguyên nhân gây bệnh u nhú thanh quản

Nguồn gốc gây bệnh u nhú thanh quản là do virus HPV (Human Papilloma Virus), phổ biến nhất là chủng 6 và 11. Virus HPV có thể gây ra các tổn thương tương tự ở nhiều bộ phận khác trên cơ thể như: Âm đạo, tử cung,...

Virus Papilloma có thể lây truyền từ người sang người thông qua những tiếp xúc thân mật. Tuy nhiên, không phải cứ tiếp xúc với virus thì sẽ phát triển bệnh mà còn phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của từng người.

Sau đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u nhú thanh quản:

  • Bệnh thường phát hiện ở trẻ em, do ảnh hưởng từ quá trình sinh nở tự nhiên qua đường âm đạo, mà người mẹ nhiễm virus HPV
  • Dinh dưỡng kém
  • Suy giảm miễn dịch
  • Sử dụng thuốc lá.

U nhú thanh quản có khả năng tái phát lại nhiều lần, ngay cả khi các nốt sần thanh quản đã được cắt bỏ hoàn toàn trước đó, nguyên nhân bởi virus HPV vẫn luôn tồn tại và có thể phát triển mạnh ra ngoài bất cứ lúc nào.

U nhú thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị - ảnh 1

Nguồn gốc gây bệnh u nhú thanh quản là do virus HPV, phổ biến nhất là chủng 6 và chủng 11

2. Triệu chứng của bệnh u nhú thanh quản

Triệu chứng bệnh thường gặp là:

  • Khàn tiếng và khó thở. U nhú càng lớn và gồ ghề thì người bệnh càng khàn tiếng, thậm chí là mất giọng.
  • Tình trạng khó thở thanh quản ngày càng tăng, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tắc đường thở, người bệnh có thể tử vong.
  • Mất giọng khi nói nhiều hay hát.
  • Cảm giác vướng ở cổ như mắc nghẹn.

U nhú thanh quản ban đầu sẽ xuất hiện là một nốt sần thanh quản, sau đó lan rộng thành nhiều nốt sần và tạo thành một khối, nhìn như trái dâu rừng. Bề mặt sần sùi, nặng hơn thì có thể rớm máu.

Ở người lớn, u nhú thanh quản có khả năng phát triển trở thành ác tính, có tính chất khu trú nhưng ít gây bít tắc đường thở. Còn đối với trẻ em, bệnh có ít khả năng thành ác tính nhưng thường phát triển rất nhanh, tạo nốt sần thanh quản và gây bít tắc đường thở, nặng có thể lan xuống khí quản, phế quản, thậm chí là nhu mô phổi và có thể dẫn tới tử vong.

3. Điều trị bệnh u nhú thanh quản

Các phương pháp điều trị u nhú thanh quản bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: Dùng các thuốc tác động trên hệ thống miễn dịch của cơ thể hoặc tác động trên siêu vi HPV.
  • Điều trị ngoại khoa: Điều trị nội khoa không thành công do u nhú lớn, nghi ngờ u nhú có thể hóa ác, cần phải cắt và gửi Xét nghiệm giải phẫu bệnh.
  • Phẫu thuật Nội soi cắt nốt sần thanh quản dưới gây mê là giải pháp tốt nhất cho người bệnh.
  • Dựa vào Nội soi hoạt nghiệm dây thanh quản trên video xem xét sóng niêm mạc.
  • Bác sĩ phẫu thuật viên quyết định cắt ở vị trí nào để đảm bảo không tổn thương dây thanh quản, sau mổ giọng nói của người bệnh phục hồi tốt hơn.
  • Nội soi ống mềm dưới Gây tê chỉ có thể làm ở trường hợp u nhú nhỏ, người bệnh không phản xạ ói.

Cắt bỏ u nhú thanh quản là phương pháp điều trị chính giúp kiểm soát sự lan rộng của u nhú. Nên nhớ rằng sự tái phát trở lại của u nhú thanh quản là quy luật thông thường cho dù trước đó việc cắt u nhú được gọi là triệt để.

U nhú thanh quản là bệnh lý không thường gặp, tuy lành tính nhưng có thể gây ra nhiều tình trạng khác nhau. Từ các khó chịu do khàn tiếng, ho, sặc... đến cả vấn đề nguy hiểm như tắc nghẽn đường thở hay thoái hóa ác tính. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng, cần đi đến bác sĩ để có chẩn đoán và phương thức điều trị hợp lý nhất.

U nhú thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị - ảnh 2

Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị u nhú thanh quản

4. Tiên lượng và biến chứng

  • Diễn tiến tự nhiên: Một trong những đặc điểm của u nhú là khó tiên lượng được bệnh. Tuy nhiên có thể phân biệt hai thể tiến triển:
  • Thể lành tính: tái phát chậm và ít sùi hơn, lành sau một vài lần soi cắt, nhất là cắt đốt bằng laser CO2.
  • Thể xâm lấn: phát triển nhanh, tạo thành nhiều khối sùi, tái phát nhanh và khối lượng lớn, dễ gây khó thở, đôi khi phải mở khí quản cấp cứu. Do đó, ở thể này, thường u nhú ở khí quản, phế quản và nhu mô phổi.
  • Biến chứng: Quan trọng nhất là biến chứng suy Hô hấp cấp, có thể gây tử vong. Ngoài ra là các biến chứng do bội nhiễm phổi gây áp xe phổi, thậm chí gây nhiễm trùng huyết.
  • Di chứng: Thường gặp nhất là sẹo hẹp, ảnh hưởng đến giọng nói hoặc Hô hấp của bệnh nhân. Tiên lượng: Không có tiêu chuẩn lâm sàng cụ thể nào cho đánh giá về tiên lượng. Thể lành tính có thể lành một cách tự nhiên hoặc sau vài lần cắt, thể này chỉ có nguy cơ để lại di chứng khàn tiếng do Sẹo dính. Thể xâm lấn không chỉ để lại di chứng về chức năng như khàn tiếng nặng, khó thở do Sẹo hẹp mà còn ảnh hưởng đến tính mạng do suy hô hấp cấp hoặc do nhiễm trùng nặng.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung