Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV và JEVAX

20/07/2020
Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV và JEVAX

Tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động phòng ngừa hữu hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện tại trên thị trường có 2 loại vắc-xin là IMOJEV và JEVAX ngừa viêm lão nhật bản.

1. Sự nguy hiểm của bệnh viêm Não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền do vật trung gian là muỗi. Ước tính, có khoảng 20 – 30% trường hợp tử vong do viêm Não Nhật Bản và có tới 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh, vận động nặng nề sau mắc bệnh. Những di chứng của bệnh gồm: Sống thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, Parkinson, yếu chi,...

Và cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản duy nhất chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa theo đúng liều, đúng lịch. Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong và các di chứng do viêm não Nhật Bản gây ra.

Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV và JEVAX - ảnh 1
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây biến chứng động kinh

2. Tổng quan về 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản đang lưu hành tại Việt Nam

2.1 Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX

Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX được chỉ định dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng là người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Chống chỉ định

  • Người quá nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin;
  • Mắc các bệnh bẩm sinh;
  • Mệt mỏi, Sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm trùng đang tiến triển;
  • Mắc bệnh tim, thận, gan, tiểu đường, Ung thư máu và các bệnh ác tính;
  • Mắc bệnh quá mẫn;
  • Phụ nữ có thai.

Liều tiêm, đường tiêm

Đường tiêm: Dưới da

Liều tiêm:

  • Trẻ từ ≥ 12 tháng tuổi đến ≤ 36 tháng tuổi: Tiêm 0,5ml/liều;
  • Trẻ từ > 36 tháng tuổi và người lớn: Tiêm 1,0 ml/liều.

Lịch tiêm

Sơ chủng:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;
  • Mũi 2: Tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 – 2 tuần.
  • Mũi 3: Tiêm sau mũi thứ nhất 1 năm.

Tiêm nhắc lại: Một liều tiêm dưới da, 3 năm nhắc lại một lần để duy trì khả năng miễn dịch.

Tác dụng phụ sau tiêm

  • Phản ứng tại chỗ: Gồm đỏ vùng tiêm, sưng tấy chỗ tiêm biểu hiện ở các mức độ khác nhau;
  • Phản ứng toàn thân: Gồm ớn lạnh, đau đầu, sốt,...tùy cơ địa và hiếm khi xảy ra.

Bảo quản

  • Bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ 2 - 8oC;
  • Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp;
  • Không làm đông băng.
Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV và JEVAX - ảnh 2
Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX chống chỉ định đối với phụ nữ có thai
2.2 Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV

IMOJEV là vắc-xin được sản xuất bởi tập đoàn Sanofi Pasteur của Pháp, được chỉ định phòng ngừa viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên.

Chống chỉ định

  • Người có tiền sử phản ứng Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin IMOJEV;
  • Người bị Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải làm suy yếu miễn dịch tế bào;
  • Người nhiễm HIV có bằng chứng suy giảm chức năng miễn dịch;
  • Phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú.

Lịch tiêm chủng

Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vắc-xin JEVAX lần nào):

  • Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên;
  • Mũi 2: Cách mũi tiêm đầu tiên 1 năm.

Người tròn 18 tuổi trở lên:

  • Tiêm 1 mũi duy nhất.

Đường dùng, liều dùng

  • Trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi: Tiêm tại mặt trước – bên của đùi hoặc tại vùng cơ Delta ở cánh tay;
  • Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn: Tiêm tại vùng cơ Delta ở cánh tay.

Liều tiêm: 0,5ml/liều IMOJEV hoàn nguyên.

Tác dụng không mong muốn

  • Phản ứng tại chỗ tiêm: Đỏ, ngứa, sưng, đau;
  • Phản ứng toàn thân: Mệt mỏi, khó chịu, đau đầu và đau cơ. Trẻ em có thể bị sốt, người lớn có thể bị phát ban.

Bảo quản

  • Vắc-xin IMOJEV cần bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8oC, không được để đông băng;
  • Giữ vắc-xin trong hộp để tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV và JEVAX - ảnh 3
Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV có thể gây Sốt ở trẻ nhỏ sau khi tiêm

3. Ưu điểm khi lựa chọn tiêm phòng viêm não Nhật Bản

Tiêm vắc-xin chính là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản chủ động và toàn diện. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch và đúng liều tiêm được khuyến cáo.