Mục lục:

Vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào?

Bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, được đánh giá có mức độ truyền nhiễm nhóm B. Nếu không chủng ngừa, phát hiện trễ có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin bạch hầu theo đúng lịch.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tổng quan về bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản và mũi. Bạch hầu vừa là bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc. Ngoại độc tố của vi khuẩn Bạch hầu là nguyên nhân chủ yếu gây ra các tổn thương nghiêm trọng.

Triệu chứng bệnh lâm sàng khá rõ ràng, bao gồm:

  • Viêm họng, mũi và thanh quản
  • Hầu họng đỏ, nuốt đau
  • Da xanh
  • Mệt mỏi
  • Nổi hạch ở dưới hàm gây sưng tấy cổ.

Qua thăm khám, ngoáy họng lấy chất dịch nhầy, sẽ thấy có giả mạc bạch hầu họng, màu trắng ngà hoặc xám, dính chặt vào xung quanh ổ viêm, nếu bóc ra sẽ chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh cũng có xung huyết.

Bạch hầu thanh quản rất nặng ở trẻ em, với biểu hiện nhiễm độc thần kinh, tê liệt Thần kinh sọ Não - vận động ngoại biên - cảm giác, đôi khi có kèm theo Viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong ở mức 5 - 10%.

2. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bạch hầu họng là Corynebacterium diphtheriae, được chia thành 3 tuýp bao gồm Gravis, Mitis và Intermedius.

Hình thể vi khuẩn khá đa dạng, gram dương. Điển hình là trực khuẩn 1 hoặc 2 đầu phình to (trực khuẩn hình chùy), dài 2 - 6 μm, rộng 0,5 - 1μm và không di động.

Về khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài, Vi khuẩn Bạch hầu có sức đề kháng cao ngoài cơ thể, còn chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bảo vệ xung quanh thì vi khuẩn có thể tồn tại:

  • Trên đồ vật: Từ vài ngày đến vài tuần;
  • Trên vải: Khoảng 30 ngày;
  • Trong sữa, nước uống chưa đun sôi: Lên đến 20 ngày;
  • Trong tử thi: Được khoảng 2 tuần.

Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố lý - hoá, chúng sẽ bị tiêu diệt:

  • Dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp sau vài giờ.
  • Dưới ánh sáng khuếch tán sau vài ngày.
  • Ở nhiệt độ 58°C sau 10 phút.
  • Phenol 1% và cồn 60 độ sau chỉ 1 phút.

Chuột lang là loại động vật sản xuất chất sinh hóa, làm tăng sự phát triển, tồn tại và sinh sản của vi khuẩn bạch hầu (hiện tượng cảm nhiễm).

Ngoài ra, bản chất ngoại độc tố của các tuýp vi khuẩn bạch hầu đều là một protein kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao, không chịu được nhiệt độ và formol. Do đó khi được xử lý bằng nhiệt và formol, chúng sẽ mất độc lực, đây là cách giải độc tố để làm vắc-xin.

Vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào? - ảnh 1
Hình ảnh vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra bệnh bạch hầu

3. Đặc điểm dịch tễ học

Bệnh lưu hành rộng rãi trên toàn cầu và tạo ra nhiều vụ dịch bạch hầu nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em dưới 15 tuổi khi chưa có vắc-xin giải độc tố dự phòng (trước năm 1923).

Bệnh bạch hầu xuất hiện trong những tháng lạnh, có tính mùa, tản phát và dễ phát triển thành dịch. Trên thế giới đã từng có thời kỳ gián đoạn Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em, khiến bệnh phát triển và bùng nổ thành dịch bạch hầu lớn, khiến hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, trong đó con số tử vong lên tới hàng ngàn trường hợp.

Ở Việt Nam, khi chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh thường xuất hiện và gây dịch bạch hầu tại hầu hết các tỉnh vào khoảng tháng 8 - tháng 10, nhất là ở những thành phố đông dân cư. Nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin dự phòng, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm xuống còn 0,14/100.000 dân vào năm 2000.

Những ngày gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 26/06/2020, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 6 ca dương tính bạch hầu, 4 ca đang được điều trị theo dõi. Một bé gái 9 tuổi, người dân tộc Mông được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim và thận đã tử vong sau hơn 2 giờ nhập viện.

Ngoài Đắk Lắk và Đắk Nông thì TP.HCM là địa phương mới nhất vừa ghi nhận dịch bạch hầu. Sau khi phát hiện nam học viên 20 tuổi dương tính với vi khuẩn bạch hầu, cơ quan chức năng đã nhanh chóng cách ly 16 người tiếp xúc gần.

4. Phương thức Truyền nhiễm và miễn dịch

  • Người bệnh và người lành mang vi khuẩn bạch hầu vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
  • Thời gian ủ bệnh ít nhất là từ 2 - 5 ngày.
  • Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần, không cố định, từ lúc khởi phát đến cuối thời kỳ ủ bệnh.
  • Phương thức lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
  • Bệnh còn lây lan do tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết của người nhiễm vi khuẩn.
  • Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại.
Vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào? - ảnh 2
Bệnh bạch hầu có phương thức truyền nhiễm là đường hô hấp

5. Biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan

  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin cần biết về bạch hầu họng để sớm phát hiện, cách ly, phòng bệnh và chủ động tiêm ngừa đầy đủ.
  • Tuân thủ việc đeo khẩu trang đầy đủ vì bệnh lây qua đường hô hấp.
  • Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng.
  • Bắt buộc phải khai báo, cách ly và điều trị bệnh nhân.
  • Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi người tiếp xúc mật thiết trong vòng 7 ngày.
  • Sát trùng, tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh, vật dụng phải được luộc sôi hoặc phơi nắng.
  • Tổ chức tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ cho cả trẻ em và người lớn.

6. Chủng ngừa vắc-xin bạch hầu

Vắc-xin dự phòng sử dụng độc tố (toxoid) bạch hầu đã được làm mất độc tính, có vai trò rất quan trọng trong việc dự phòng. Nếu không được tiêm, ngoài mắc bệnh, người nhiễm vi khuẩn bạch hầu còn gặp diễn biến trầm trọng, dễ dẫn đến biến chứng và tỷ lệ tử vong cao.

Đối tượng tiêm chủng vắc-xin bạch hầu là cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, gần như không có chống chỉ định. Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể, giúp tránh khỏi bệnh bạch hầu. Tuy nhiên nếu không tuân thủ phác đồ tiêm chủng lặp lại, cường độ miễn dịch có thể bị giảm, nồng độ kháng thể trong máu xuống thấp cũng có thể nhiễm vi khuẩn. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bạch hầu họng.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung