1. Chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định Vắc-xin HPV có hiệu lực bảo vệ mãi mãi
90-95% người nhiễm virus HPV có khả năng tự đào thải hoặc tiêu diệt hoàn toàn virus này nhờ hệ thống miễn dịch và sự thay đổi pH âm đạo. Tuy nhiên, hầu hết mọi phụ nữ đều bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, và không gì đảm bảo virus HPV trong người có tự đào thải được hay không. Hiện nay, Vắc-xin phòng HPV không những giúp giảm nguy cơ Ung thư cổ tử cung khoảng trên 90% mà còn giảm các tổn thương tiền ung thư trên 60%.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, vắc-xin chỉ có hiệu quả khi bạn chưa bị lây HPV hoặc chưa có quan hệ Tình dục và được khuyến cáo tiêm cho trẻ em gái hoặc phụ nữ lứa tuổi từ 9 - 26 tuổi. Vắc-xin phòng HPV có thời gian bảo vệ kéo dài từ 4 - 6 năm và sau thời gian này, chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định vắc-xin còn hiệu lực bảo vệ.
Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, cho dù bạn đã tiêm Vắc-xin HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm.
2. Khi nào nên đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung?
Các bác sĩ khuyên tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 - 49 nên làm Xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên với những ai quan hệ Tình dục sớm, sinh con trước tuổi 17 tuổi, có nhiều bạn tình, sử dụng thuốc tránh thai trên 5 năm, hút thuốc lá hay thấy biểu hiện bất thường bạn có thể sàng lọc sớm hơn.
Lưu ý, thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt. Không đặt thuốc âm đạo trong vòng 48 giờ trước khi lấy xét nghiệm và không giao hợp tối hôm trước.