Tên gọi khác: COAD, COLD, Chronic obstructive pulmonary disease
Triệu chứng
Khó thở, ho, ho có đờm, đau ngực, thở khò khè, mệt mỏi, da xanh.
Chẩn đoán
Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
Chụp X-quang, CT Scan phổi, xét nghiệm chức năng phổi (PFTs), xét nghiệm khí máu động mạch (ABG) đo lượng ôxy trong máu sẽ được thực hiện để xác định mức độ của bệnh.
Điều trị
Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, có thể bao gồm: Dùng thuốc giãn phế quản (như Albuterol hoặc Atrovent), Steroids, và/hoặc thuốc kháng sinh. Phẫu thuật loại bỏ các phần của phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng và/hoặc ghép phổi.
Nguyên nhân
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hay COPD, là tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí lâu ngày kèm với viêm phế quản mãn, khí phế thũng, hay cả hai. Tình trạng tắc nghẽn này tăng dần theo thời gian.
Viêm phế quản mãn tính được định nghĩa là tình trạng ho kéo dài không gây ra bởi những nguyên nhân khác và có đờm từ 3 tháng trở lên mỗi năm trong vòng 2 năm liên tiếp. Ở bệnh viêm phế quản mãn tính, các tuyến tiết nhầy ở phổi trở nên lớn hơn. Đường dẫn khí bị viêm và thành phế quản dày lên. Những thay đổi trên và sự biến mất của các phế nang gắn với chúng làm giới hạn thông khí do các thành ống dẫn khí bị méo mó và lòng ống dẫn khí bị hẹp lại.
Khí phế thũng là tình trạng tăng kích thước vĩnh viễn một cách bất thường của các túi khí (phế nang) nằm ở cuối đường dẫn khí của phổi. Khí phế thũng cũng phá hủy thành của các phế nang. Có 3 dạng khí phế thũng: khí phế thũng trung tâm, khí phế thũng toàn thể và khí phế thũng ngoại biên.
Theo một nghiên cứu vào năm 1985, tỷ lệ tử vong do COPD ở những bệnh nhân 55 - 84 tuổi vào khoảng 200/100.000 người đối với nam và 80/100.000 người đối với nữ tại Hoa Kỳ. Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha cũng cho thấy có khoảng 9,1% người ở độ tuổi từ 40 - 69 bị COPD. Trong số đó có 78% là nam giới. Mặc dù nam giới có tỷ lệ tử vong cao hơn nhưng tỷ lệ tử vong ở nữ giới cũng đang gia tăng.
Trên thế giới, do có hơn 1,2 tỷ người tiếp xúc với khói thuốc nên số người bị COPD cũng khá cao. Vào năm 1990, tỷ lệ mắc bệnh COPD trên thế giới là 9,4/1.000 ở nam và 7,3/1.000 ở nữ.
Tỷ lệ tử vong do COPD thay đổi tùy theo quốc gia. Chẳng hạn như có 400/100.000 trường hợp tử vong ở nam giới độ tuổi 65 - 74 tại Romania, trong khi đó tỷ lệ này ở Nhật Bản là dưới 100/100.000 người.
Phòng ngừa
Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc:
Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây COPD. COPD xảy ra ở khoảng 15% người nghiện thuốc và việc sử dụng thuốc lá chiếm 90% nguy cơ mắc bệnh này. Hút thuốc lá thụ động hoặc tiếp xúc với khói thuốc cũng làm gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến giảm chức năng của phổi.
Những người hút thuốc lá có thể tích thở ra gắng sức (FEV - Forced Expiratory Volume) giảm rất nhanh. FEV là thể tích không khí tối đa mà người đó có thể thở ra trong một khoảng thời gian quy định ngay sau khi hít vào tối đa. Con số nhỏ phía dưới chỉ khoảng thời gian quy định tính bằng giây. Chẳng hạn như FEV1 là thể tích không khí tối đa có thể thở ra trong vòng 1 giây. Giảm FEV làm cho người bệnh thở hơi ngắn và khó thở.
Ô nhiễm không khí:
Người ta vẫn chưa xác định được chắc chắn việc ô nhiễm không khí có gây COPD hay không. Tuy nhiên, nếu có thì hậu quả của nó cũng nhỏ so với thuốc lá.
Tăng nhạy cảm đường hô hấp:
Một số bệnh nhân COPD bị tăng nhạy cảm đường hô hấp, là tình trạng đường hô hấp phản ứng quá mức với những chất kích thích từ không khí, chẳng hạn như khói thuốc lá và chất ô nhiễm.
Vai trò làm yếu tố nguy cơ của chứng bệnh này đối với COPD ở những người hút thuốc vẫn chưa được chứng mình rõ ràng. Tuy nhiên, theo một giả thiết, bệnh nhân tăng nhạy cảm đường hô hấp và có hút thuốc sẽ tăng nguy cơ bị COPD và tăng tỷ lệ suy giảm chức năng phổi.
Thiếu men Alpha 1- antitrypsin:
Men Alpha 1- antitrypsin là một loại protein của cơ thể được gan sản xuất để giúp bảo vệ phổi khỏi bị tổn thương. Thiếu men Alpha 1- antitrypsin là khi gan không sản xuất đủ loại protein này.
Thiếu men Alpha 1 - antitrypsin có tính chất di truyền, và nó là yếu tố nguy cơ di truyền duy nhất của COPD được biết đến. Nó chiếm khoảng dưới 1% số trường hợp bị COPD ở Hoa Kỳ. Thiếu men Alpha 1 - antitrypsin nặng có thể dẫn đến khí phế thũng ở những người trẻ tuổi, và ở những người không hút thuốc, độ tuổi khởi phát trung bình của khí phế thũng là 53 tuổi, đối với những người hút thuốc là 40 tuổi.
Điều trị
COPD không thể chữa được nhưng có thể phòng ngừa. Để phòng COPD cần phải:
Không hút thuốc, nếu có hút thuốc thì hãy bỏ thuốc ngay.
Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc bằng cách không cho phép hút thuốc trong nhà hoặc ngồi ở khu vực không hút thuốc khi đi ra ngoài. Bạn cũng nên tránh khói do củi cháy hoặc cho nấu ăn.
Hạn chế không khí ô nhiễm trong nhà.
Tránh bị nhiễm trùng hô hấp khi bị cảm cúm. Bạn cũng nên thường xuyên rửa tay do virus có thể di chuyển từ tay qua miệng do tiếp xúc.
Góp phần bảo vệ bầu không khí trong lành để giảm bớt số người bị COPD do ô nhiễm môi trường.