Tên gọi khác: Gallbladder polyp
Triệu chứng
Hầu hết polyp túi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Một số ít trường hợp có thể có cơn đau quặn mật, thường do sỏi mật kết hợp với polyp túi mật hoặc là những polyp lớn (trên 10mm) gây ra sự co thắt túi mật, xảy ra ở vùng hạ sườn phải, đau âm ỉ, đau nhói hoặc đau từng cơn và đau sau bữa ăn có nhiều dầu mỡ, trứng…
Chẩn đoán
Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
Siêu âm túi mật để phát hiện polyp.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) giúp phát hiện tế bào ung thư trong polyp túi mật lớn.
Điều trị
Với polyp nhỏ dưới 1 cm (hoặc dưới 1,5 cm) có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Polyp lớn hơn 1 cm có nhiều khả năng trở thành ung thư, đặc biệt là những polyp lớn hơn 1,5 cm, do đó, cắt bỏ túi mật có thể được đề nghị để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật. Polyp túi mật xuất hiện ung thư có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Nguyên nhân
Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.
Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có hai loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ...; u giả như u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u...
Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư...
Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40 mm, hay vừa có polyp vừa có sỏi túi mật.
Tuy vậy, trên thực tế, polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ polyp túi mật trong cộng đồng dao động từ 0,03% đến 9%. Nếu so với sỏi túi mật thì polyp túi mật ít gặp hơn sỏi túi mật, hay gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30-50.
Phòng ngừa
Có rất nhiều các yếu tố được cho là có liên quan việc hình thành polyp túi mật như: chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không điều độ, nhiễm virus viêm gan… Nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.
Điều trị
Thực phẩm giúp phòng polyp túi mật
Polyp túi mật là bệnh đa phần lành tính, nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng do thói quen sinh hoạt và ăn uống không phù hợp.
Có nhiều yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu cao, béo phì, nhiễm virus viêm gan, thói quen ăn uống nhiều mỡ, chất béo, kích thích làm tăng thêm lượng chloresterol trong người. Để phòng ngừa bệnh tức là phải giảm những yếu tố này trong cơ thể. Đối với người bị polyp túi mật thì chế độ ăn uống phải thanh đạm gần giống với người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, tức là phải giảm cholesterol xấu trong máu.
Bạn có thể giảm cholesterol bằng các loại thực phẩm lành mạnh gồm: Yến mạch, các loại hạt, đậu, thay chất béo từ thực vật bằng động vật, tăng ăn cá hồi thay thịt động vật... Đặc biệt, không nên uống rượu, cà phê mà thay vào đó là uống trà xanh bởi trà xanh chứa Catechins, là những hợp chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol xấu một cách khá tốt.
Về chế độ ăn, nên chọn thịt nạc từ gia cầm. Nếu ăn cá, nên chọn các loại cá biển. Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Nên ăn những thực phẩm theo màu như màu đen chọn nấm hương, mộc nhĩ; màu vàng chọn cà rốt, bí ngô; màu xanh chọn các loại rau họ cải; màu trắng chọn cải bắp, su hào... bởi những thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, vitamin A, B1, C và chứa thành phần chống viêm cho người bệnh.