Triệu chứng
Các triệu chứng của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng bao gồm: la hét, toát mồ hôi, bối rối, thấy những thứ đáng sợ, nhịp tim nhanh, chuyển động tay hoặc chân và đôi khi mộng du
Chẩn đoán
Hội chứng này thường không cần phải làm xét nghiệm để chẩn đoán. Xét nghiệm để loại trừ khả năng mắc các bệnh khác chỉ dùng khi hội chứng giấc ngủ kinh hoàng nghiêm trọng kéo dài hơn 1 tháng và nhiều lần mỗi đêm
Điều trị
Đánh thức trẻ khoảng 30 phút trước khi hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường bắt đầu có thể ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. An ủi và vỗ về người bệnh để họ được trấn an tinh thần và cảm thấy an toàn
Tổng quan
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là gì?
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng xảy ra khi ngủ sâu. Tình trạng này thường xuất hiện trong nửa đầu buổi đêm, một vài giờ sau khi bệnh nhân ngủ. Bệnh nhân dường như tỉnh dậy và bắt đầu la hét, hoảng hốt và toát mồ hôi. Tuy nhiên họ không hề tỉnh, thậm chí cả khi mắt họ vẫn mở. Sau khi thực sự tỉnh dậy, họ có thể chỉ nhớ những hình ảnh đáng sợ hoặc không nhớ gì cả. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng không phải là ác mộng (ác mộng xảy ra vào sáng sớm, trong giấc ngủ Mắt chuyển động nhanh và bao gồm các giấc mơ khó chịu hoặc đáng sợ).
Những ai thường mắc phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng?
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng khá hiếm và nó thường chỉ phổ biến ở trẻ em vào độ tuổi từ 4 đến 12 tuổi. Hầu hết trẻ hết bệnh khi lớn lên. Bạn có thể hạn chế khả năng gặp phải tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là gì?
Các triệu chứng của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng bao gồm: la hét, toát mồ hôi, bối rối, thấy những thứ đáng sợ, nhịp tim nhanh, chuyển động tay hoặc chân và đôi khi mộng du. Một số người không nhận thức được môi trường xung quanh hoặc những người khác nên khó có thể dỗ cho họ dịu xuống. Sau khi bệnh xảy ra, họ thường không thể giải thích hoặc không nhớ những gì đã xảy ra.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám nếu bạn bị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng kéo dài trong 1 tháng hoặc hơn, với nhiều lần mỗi đêm. Ngoài ra, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn thường có những hành động tự gây tổn thương cho mình và người khác trong khi ngủ hoặc có những hành động lặp đi lặp lại. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là gì?
Nguyên nhân gây ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng vẫn chưa được xác định rõ. Chúng thường liên quan đến sự căng thẳng về tình cảm, mệt mỏi hoặc bị sốt. Bệnh có thể xảy ra khi bệnh nhân dùng thuốc mới hoặc ngủ xa nhà. Ngoài ra, hội chứng này cũng có thể xuất hiện do di truyền hoặc những người nghiện rượu.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng giấc ngủ kinh hoàng?
Một số yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ bị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng:
Trong gia đình bạn đã có người mắc phải hội chứng này;
Trầm cảm;
Lo âu;
Căng thẳng trong cuộc sống.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hội chứng giấc ngủ kinh hoàng:
Đảm bảo không gian xung quanh bạn không có các vật sắc, nhọn hay bất cứ thứ gì có thể gây ra vết thương. Điều này là rất quan trọng vì khi người bệnh bị hội chứng này, họ sẽ không nhận thức được xung quanh và có thể gây tổn thương mình và người khác.
Ngủ đủ giấc và đúng giờ, thư giãn trước khi ngủ.
Khi hội chứng xảy ra, hãy quan tâm và an ủi người bệnh.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng?
Đánh thức trẻ khoảng 30 phút trước khi hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường bắt đầu có thể ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. An ủi và vỗ về người bệnh để họ được trấn an tinh thần và cảm thấy an toàn. Sau một tuần điều trị như vậy, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường chấm dứt. Thuốc ngủ hiếm khi được dùng đối với bệnh và chỉ dùng cho các trường hợp nghiêm trọng.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng ở người lớn đôi khi là triệu chứng của sốc tâm lý. Bác sĩ có thể kê thuốc và đề nghị liệu pháp tâm lý thích hợp để điều trị tình trạng này.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng giấc ngủ kinh hoàng?
Hội chứng này thường không cần phải làm xét nghiệm để chẩn đoán. Xét nghiệm để loại trừ khả năng mắc các bệnh khác chỉ dùng khi hội chứng giấc ngủ kinh hoàng nghiêm trọng kéo dài hơn 1 tháng và nhiều lần mỗi đêm. Bệnh nhân bị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng rất nghiêm trọng có thể cần được khám kỹ lưỡng bởi bác sĩ hoặc bác sĩ sẽ quan sát giấc ngủ của người bệnh trong phòng thí nghiệm.