Triệu chứng
Luôn suy nghĩ về các sự kiện gây ra rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Khi mắc bệnh, bạn liên tục hồi tưởng, ảo giác và có ác mộng với những ký ức đau đớn
Chẩn đoán
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh ít nhất sau một tháng xảy ra biến cố nghiêm trọng. Trong thời gian một tháng sau biến cố, nếu gặp các triệu chứng nêu trên, bạn nên đến khám bác sĩ
Điều trị
Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tự kiểm soát cuộc sống bằng cách điều trị tâm lý kết hợp với thuốc. Khi kết hợp các phương pháp điều trị, bạn có thể cải thiện các triệu chứng bệnh
Tổng quan
Rối loạn căng thẳng sau Chấn thương (PTSD) là bệnh gì?
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) là tình trạng Tâm thần không ổn định bao gồm khủng hoảng, hồi hộp, trầm cảm do chấn động lớn xảy ra trong quá khứ gây ra. Sẽ rất khó khăn để ai đó có thể vượt qua được những chuyện đau buồn, một số người hình thành những rối loạn căng thẳng sau chấn thương do ảnh hưởng của tai nạn, mất người thân hay chiến tranh. Bệnh nhân thường suy nghĩ nhiều về những ký ức đau buồn và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Mặc dù sẽ rất khó để bản thân có thể vượt qua được những thay đổi bất ngờ, nhưng vẫn có một số cách giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường gặp là:
Luôn suy nghĩ về các sự kiện gây ra rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Khi mắc bệnh, bạn liên tục hồi tưởng, ảo giác và có ác mộng với những ký ức đau đớn;
Cách biệt với xã hội. Bạn không muốn gặp người khác, tránh tiếp xúc những người, địa điểm, suy nghĩ và tình huống có thể gợi nhớ về những ký ức đau khổ. Hậu quả đó là bạn sẽ bị cách biệt với gia đình và bạn bè, cũng như mất hứng thú trong các hoạt động mà mình từng yêu thích;
Có những cảm xúc mãnh liệt hơn trước đây, nghĩa là bạn có thể cảm thấy khó chịu nhiều hơn, chán nản hoặc thay đổi tâm trạng thường xuyên và không dự đoán được;
Gặp khó khăn trong việc đồng cảm hay chia sẻ cảm xúc, tình cảm với những người khác hoặc cảm thấy thất thường và hay giật mình;
Gặp vấn đề về tập trung hay khó ngủ;
Có các triệu chứng như tăng huyết áp và nhịp tim, nhịp thở nhanh, căng cơ, buồn nôn và tiêu chảy.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nhiều người mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường cảm thấy xấu hổ và muốn trì hoãn đi gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng bệnh có thể chữa được và điều trị càng sớm thì càng dễ khỏi bệnh. Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:
Có những suy nghĩ hay cảm xúc lo ngại về một sự kiện đau buồn kéo dài hơn một tháng;
Suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực trở nên nghiêm trọng;
Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cuộc sống;
Tự làm tổn thương chính mình hoặc cố gắng tự tử.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)?
Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra bệnh này, nhưng họ tin rằng tác nhân chính có thể là do ảnh hưởng của các sự kiện ảnh hưởng trực tiếp hay đe dọa đến mạng sống trong quá khứ, các chấn thương nghiêm trọng hoặc lạm dụng tình dục.
Mặt khác, bạn cũng có thể mắc bệnh nếu có các yếu tố sau:
Có những đặc điểm di truyền về sức khỏe tâm thần như tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm;
Trải qua những chấn thương tâm lý nghiêm trọng từ thời thơ ấu;
Tính khí;
Cách não kiểm soát các tín hiệu và hormone trong cơ thể khi phản ứng với căng thẳng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)?
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là tình trạng khá phổ biến với tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn. Hầu hết phụ nữ đều nhạy cảm với những thay đổi hơn so với nam giới nên thường có cảm xúc mãnh liệt hơn. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở trẻ em. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra PTSD, đặc biệt là nếu người bệnh đã trải qua một ký ức đau đớn. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển PTSD sau một sự kiện chấn thương tâm lý, chẳng hạn như:
Trải qua chấn thương dữ dội hoặc lâu dài;
Từng có những tổn thương khác trước đó trong cuộc sống như bị lạm dụng hay bỏ bê khi còn nhỏ;
Công việc dễ tiếp xúc với các sự kiện chấn thương tâm lý, chẳng hạn như quân nhân hay nhân viên cấp cứu;
Có vấn đề khác về tâm thần, như lo âu hay trầm cảm;
Thiếu sự quan tâm hay chăm sóc từ gia đình và bạn bè;
Có người thân trong gia đình gặp vấn đề về tâm thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc trầm cảm.
Chúng ta ai cũng phải đối mặt với những thời điểm căng thẳng trong cuộc sống, nhưng một số trải nghiệm có thể làm bạn bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, bao gồm:
Tiếp xúc với chiến tranh;
Từng bị bỏ rơi hay lạm dụng khi còn nhỏ;
Bị tấn công tình dục;
Bị đánh đập, cơ thể bị tổn hại;
Bị đe dọa bằng vũ khí.
Nhiều tai nạn khác cũng có thể dẫn đến bệnh, chẳng hạn như hỏa hoạn; thiên tai; cướp tài sản; tai nạn xe hơi, máy bay; bị tra tấn, bắt cóc; mắc bệnh hiểm nghèo; khủng bố v.v..
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
Kiên nhẫn và tuân thủ kế hoạch điều trị;
Tìm hiểu về bệnh. Việc làm này có thể giúp bạn hiểu được cảm giác mình đang trải qua và sau đó có thể chuẩn bị các bước tiếp theo để ứng phó hiệu quả;
Nghỉ ngơi đầy đủ, có một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và dành thời gian để thư giãn;
Tránh chất caffein hay nicotin, chúng có thể làm tình trạng lo lắng trầm trọng thêm;
Không nên lạm dụng rượu hoặc ma túy để quên đi nỗi đau, chúng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn và ngăn bạn khỏi bệnh.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)?
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh ít nhất sau một tháng xảy ra biến cố nghiêm trọng. Trong thời gian một tháng sau biến cố, nếu gặp các triệu chứng nêu trên, bạn nên đến khám bác sĩ. Lúc này, bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá tình trạng sức khỏe bằng cách tìm hiểu bệnh sử và khám lâm sàng. Mặc dù chưa có các xét nghiệm nào giúp chẩn đoán chính xác bệnh, nhưng bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm khác nhau để loại trừ những bệnh có thể gây ra triệu chứng giống với rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Nếu không phát hiện được bệnh, bạn sẽ phải đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm thần để được chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần. Bác sĩ sẽ sử dụng công cụ thiết kế đặc biệt để phỏng vấn và đánh giá các rối loạn lo âu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên những báo cáo về triệu chứng, bao gồm các vấn đề chức năng gây ra triệu chứng đó, để xác định xem bạn có bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương không. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh nếu bạn có các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau chấn thương kéo dài hơn 1 tháng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)?
Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tự kiểm soát cuộc sống bằng cách điều trị tâm lý kết hợp với thuốc. Khi kết hợp các phương pháp điều trị, bạn có thể cải thiện các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, bạn cần phải học kỹ năng để nhận biết và giải quyết các triệu chứng bệnh, giúp bản thân cảm thấy tốt hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách để đối phó nếu triệu chứng phát sinh. Hơn nữa, những phương pháp này sẽ giúp điều trị các vấn đề liên quan đến ký ức đau thương, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, nghiện rượu hoặc ma túy.
Bác sĩ cũng thiết kế một số phương pháp tâm lý để giúp bạn nhận ra vấn đề và giải quyết nó đúng cách, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức, điều trị phơi sáng và chuyển động mắt gây tê.
Liệu pháp nhận thức giúp bạn nhận ra điều gì làm mình mắc kẹt trong những kí ức đó. Điều trị phơi sáng sẽ giúp bạn đối mặt an toàn với những nỗi sợ hãi của mình, từ đó có thể giải quyết chúng hiệu quả hơn. Phương pháp chuyển động mắt gây tê với một loạt các hướng dẫn về chuyển động mắt sẽ giúp ích trong việc thay đổi cách bạn phản ứng với những ký ức đau buồn.
Bạn có thể cần một số thuốc để điều trị các triệu chứng của bệnh bao gồm thuốc chống trầm cảm giúp giảm triệu chứng bệnh trầm cảm và lo âu, thuốc chống lo âu để cải thiện cảm giác lo lắng và căng thẳng, prazosin dùng khi có tình trạng mất ngủ hay gặp ác mộng tái phát.