Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tìm hiểu chung
Tìm hiểu chung
Phẫu thuật tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ là gì?
Phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp trong quy trình điều trị bướu cổ.
Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở cổ, có nhiệm vụ sản xuất ra một hormone gọi là thyroxine (hormone giáp trạng). Hormone này có vai trò điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Tuyến này có thể phì đại quá to gây ra bệnh bướu cổ.
Khi nào bạn nên thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ?
Phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ là một lựa chọn khi bướu cổ lớn khiến bạn cảm thấy khó chịu hoặc khó thở hay khó nuốt, và trong một số trường hợp, khi Bướu giáp gây Cường giáp (là tình trạng tuyến giáp của bạn hoạt động quá mức dẫn đến dư thừa lượng hormone giáp trạng – thyroxine – trong máu dẫn đến những rối loạn về trao đổi chất trong cơ thể).
Bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cho bạn trong những trường hợp:
Có bằng chứng lâm sàng hoặc X-quang về sự chèn ép của bướu cổ lên các cấu trúc xung quanh, đặc biệt là khí quản.
Có bướu giáp thòng (mô của tuyến giáp phát triển, thòng xuống phía dưới khí quản hay lồng ngực của bạn), đối với loại bướu này tốt nhất là nên cắt bỏ bởi vì việc sinh thiết những bướu này rất khó khăn và đòi hỏi phải Chụp CT và MRI nhiều lần để theo dõi rất mất thời gian và tốn kém. Ngoài ra nó còn có thể phát triển lớn hơn nữa.
Các bướu cổ đang ngày càng to.
Vì lý do thẩm mỹ.
Cắt bỏ tuyến giáp sẽ làm cho cổ trở về hình dáng bình thường. Phẫu thuật cũng giúp cải thiện những triệu chứng như khó thở hoặc khó nuốt.
Điều cần thận trọng
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ?
Hầu hết các bướu giáp không làm thay đổi chức năng tuyến giáp không nhất thiết phải phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa. Siêu âm tuyến giáp thường xuyên là xét nghiệm rất hữu ích để theo dõi kích thước của những bướu nhỏ. Các bướu lớn hơn cần phải chụp MRI hoặc CT để đánh giá mức độ chèn ép vào khí quản và kích thước chính xác của bướu. Nếu đó là bướu giáp độc (bướu làm thay đổi chức năng tuyến giáp) thì cần phải điều trị triệt để bằng cách sinh thiết các bướu đáng ngờ hoặc phẫu thuật cắt bỏ, sau đó bạn sẽ được điều trị bằng iốt phóng xạ.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật tuyến giáp mà bạn có thể gặp bao gồm:
Tụ dịch ở xung quanh vùng phẫu thuật (nếu vùng tụ dịch nhỏ thì nó thường tự hết, nhưng nếu vùng này quá lớn thì cần phải được chọc hút lấy dịch ra ngoài) và hình thành sẹo tại vùng phẫu thuật;
Chảy máu nhiều có thể gây ra chèn ép vào khí quản.
Chấn thương thần kinh quặt ngược thanh quản:
Làm cứng tất cả các cơ ở thanh quản, trừ các cơ nhẫn giáp (là các cơ nối từ sụn nhẫn đến sụn giáp);
Bị khàn giọng sau phẫu thuật do liệt dây thanh âm một bên;
Triệu chứng có thể xuất hiện muộn và sự thay đổi giọng nói có thể chưa xuất hiện trong vòng vài ngày hay vài tuần sau phẫu thuật;
Liệt cả hai dây thanh âm thường xảy ra sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và triệu chứng của liệt xuất hiện ngay khi vừa rút ống;
Hai dây thanh âm nằm song song với nhau ngay ở giữa thanh quản, làm cho bạn bị khó thở;
Suy tuyến cận giáp (là bốn tuyến nội tiết nhỏ nằm gần tuyến giáp của bạn): làm cho canxi trong máu giảm, tình trạng này có thể kéo dài vĩnh viễn hoặc thoáng qua rồi tự hết;
Cơn bão giáp: là một biến chứng của phẫu thuật biểu hiện bởi sự tăng lên đột ngột của nồng độ hormone giáp trạng trong máu và có thể dẫn đến tử vong;
Chấn thương thần kinh thanh quản trên;
Chấn thương dây thân kinh dẫn đến hậu quả không có khả năng kéo dãn dây thanh âm khiến bạn không thể nói giọng cao được;
Các nhánh bên ngoài có lẽ là các dây thần kinh thường bị ảnh hưởng nặng nhất trong phẫu thuật tuyến giáp.
Hầu hết các bệnh nhân không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào khi có chấn thương thần kinh thanh quản trên, nhưng đối với một ca sĩ chuyên nghiệp, những tổn thương này có thể làm kết thúc sự nghiệp của họ.
Nhiễm trùng: xảy ra ở 1-2% của tất cả các trường hợp.
Suy giáp (sự suy yếu hoạt động của tuyến giáp).
Tổn thương thân thần kinh giao cảm có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp.
Bạn có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách thực hiện cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ, chẳng hạn như việc dừng ăn và ngưng sử dụng một số loại thuốc nhất định.
Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ?
Bạn phải báo với bác sĩ về các loại thuốc gần đây bạn đang hoặc đã uống, tình trạng dị ứng và những bệnh trước đây bạn mắc phải trước khi thực hiện phẫu thuật. Bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê và lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải thực hiện theo các hướng dẫn về vấn đề khi nào ngừng ăn và uống trước khi phẫu thuật.
Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn rõ ràng trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như việc liệu bạn có thể ăn bất cứ thứ gì trước khi phẫu thuật hay không. Thông thường, bạn nên bắt đầu nhịn ăn khoảng sáu giờ trước khi làm phẫu thuật. Bạn có thể uống nước, chẳng hạn như cà phê, cho đến một vài giờ trước khi phẫu thuật.
Vì phẫu thuật có thể làm tổn thương đến dây thần kinh quặt ngược thanh quản (một nhánh của dây sọ X, có nhiệm vụ chi phối vận động của thanh quản của bạn), nên bác sĩ sẽ khám lại dây thanh âm của bạn trước khi phẫu thuật tuyến giáp. Và trong suốt quá trình phẫu thuật, dây thanh âm của bạn sẽ được bác sĩ theo dõi kỹ, đặc biệt là đối với những phẫu thuật phức tạp như là phẫu thuật lần 2 hoặc phẫu thuật một bướu giáp quá to.
Quy trình thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ như thế nào?
Bạn sẽ được gây mê toàn thân và phẫu thuật này thường kéo dài từ 90 phút đến hai giờ.
Bác sĩ phẫu thuật rạch một vết cắt trên cổ sao cho đường cắt này trùng với những nếp gấp da trên cổ để đảm bảo tính thẫm mỹ, sau đó bác sĩ sẽ cắt bỏ phần lớn hoặc là toàn bộ tuyến giáp.
Hồi phục sức khỏe
Hồi phục sức khoẻ
Bạn nên làm gì sau khi khi thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị bệnh bướu cổ?
Bạn sẽ có thể về nhà sau 1-2 ngày.
Bạn sẽ có thể trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường sau khoảng hai tuần.
Tập vận động thường xuyên sẽ giúp bạn trở lại hoạt động bình thường sớm nhất có thể.
Trước khi bạn bắt đầu vận động lại, hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn.
Bác sĩ thường sẽ hẹn lịch tái khám. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận với bạn bất cứ vấn đề nào liên quan đến điều trị hoặc theo dõi.
Nguồn tham khảo
Cắt tuyến giáp điều trị bướu cổ, http://www.betterhealth.vic.gov.au/
Cắt tuyến giáp điều trị bướu cổ, https://www.nlm.nih.gov/