Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tìm hiểu chung
Tìm hiểu chung
Vẹo vách ngăn mũi là gì?
Vách ngăn mũi là phần sụn và xương bên trong mũi, giúp chia đôi lỗ mũi của bạn. Vách ngăn thường thẳng nhưng cũng có thể bị vẹo (bị cong) sang một bên, khiến bạn gặp phải triệu chứng tắc nghẽn mũi.
Khi nào bạn nên thực hiện tạo hình vách ngăn mũi?
Nếu bạn có triệu chứng như khó thở bằng mũi và việc này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, bạn có thể cân nhắc phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi bị vẹo.
Sau phẫu thuật, vách ngăn mũi của bạn sẽ thẳng lại, và làm giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi.
Bạn có thể phù hợp với phẫu thuật tạo hình vách ngăn mũi nếu:
Xương mặt bạn đã tăng trưởng hoàn thiện;
Bạn có thể chất khỏe mạnh;
Bạn không hút thuốc;
Bạn có cái nhìn tích cực và suy nghĩ mục tiêu thực tế về việc cải thiện bề ngoài của bạn.
Điều cần thận trọng
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện tạo hình vách ngăn mũi?
Mặc dù kết quả của phẫu thuật này thường là ổn định nhưng sụn và mô mũi của bạn có thể dần dần di chuyển hoặc thay đổi hình dạng theo thời gian. Hầu hết mọi người sẽ thấy phẫu thuật này cải thiện được các triệu chứng như khó thở do vẹo vách ngăn mũi. Tuy nhiên, sự hiệu quả này có thể sẽ khác nhau tùy vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Như với bất kỳ phẫu thuật lớn nào, tạo hình vách ngăn mũi cũng có một số nguy cơ, chẳng hạn như chảy máu, nhiễm trùng và tác dụng phụ của thuốc gây mê. Các nguy cơ cụ thể khác của tạo hình vách ngăn mũi bao gồm:
Chảy máu quá nhiều;
Thay đổi hình dạng của mũi;
Thủng vách ngăn mũi (biến chứng này khá hiếm). Có thể bạn cần phải điều trị bằng phẫu thuật thêm để sửa lại vách ngăn nhưng cũng có thể bác sĩ của bạn sẽ không thể sửa được biến chứng này;
Giảm khả năng ngửi mùi;
Tụ máu trong khoang mũi và cần phải được dẫn lưu (tụ máu tại vùng vách ngăn mũi);
Cảm giác tê nướu hoặc tê các răng hàm trên thoáng qua.
Phẫu thuật bổ sung có thể là cần thiết cho bạn để điều trị một số những biến chứng hoặc nếu kết quả của phẫu thuật lần đầu không phù hợp với mong đợi của bạn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những nguy cơ cụ thể trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện tạo hình vách ngăn mũi?
Trước khi lên lịch tạo hình vách ngăn mũi, bạn sẽ gặp phẫu thuật viên để bàn luận về các lợi ích cũng như nguy cơ của phẫu thuật. Ngoài ra, bạn sẽ được chụp ảnh mũi của mình ở nhiều góc độ khác nhau. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng những bức ảnh này để thảo luận trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc dùng để tham khảo trong và sau khi mổ.
Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho phẫu thuật như việc bạn có thể ăn vài tiếng trước phẫu thuật được không. Đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê một vài tiếng trước phẫu thuật.
Quy trình thực hiện tạo hình vách ngăn mũi như thế nào?
Phẫu thuật này thường được thực hiện qua đường mũi và không để lại các sẹo trên mặt hay gây ra thâm quầng quanh mắt bạn. Tạo hình vách ngăn mũi thường được thực hiện dưới hình thức gây mê nhưng cũng có thể là chỉ gây tê. Phẫu thuật thường mất khoảng 45 phút. Bác sĩ sẽ tạo đường rạch ở niêm mạc trong mũi của bạn. Họ sẽ cắt bỏ phần sụn và xương bị vẹo và đặt phần còn lại vào vị trí cho thẳng.
Hồi phục sức khỏe
Hồi phục sức khoẻ
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện tạo hình vách ngăn mũi?
Bạn thường sẽ được giữ lại bệnh viện mặc dù bạn cũng có thể về nhà trong ngày. Nếu bạn được nhét gạc không tan trong mũi thì nó có thể được rút ra vào sáng hôm sau.
Có thể mất nhiều tháng để mũi của bạn ổn định và đạt được kết quả cuối cùng. Bạn sẽ cần nghỉ ngơi và tránh tụ tập nơi đông người để tránh cảm lạnh gây nhiễm trùng. Đừng tắm bồn nước nóng hoặc cúi người xuống trong vòng hai tuần. Ngoài ra, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập thể dục thích hợp cho mình.
Hầu hết mọi người hồi phục hoàn toàn và có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường. Tuy nhiên, vẹo vách ngăn có thể tái phát do phần sụn từ từ quay lại vị trí ban đầu của nó.
Nguồn tham khảo
Tạo hình mũi - vách ngăn mũi, www3.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcmed.nsf/pages/ENT11lite_en
Tạo hình mũi - vách ngăn mũi, www.healthline.com/health/septoplasty