Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tìm hiểu chung
Định nghĩa
Phẫu thuật Thoát vị rốn là gì?
Phẫu thuật thoát vị rốn là một loại phẫu thuật nhằm loại bỏ các khối thoát vị quá lớn hoặc gây đau cho người bệnh. Thoát vị rốn được gây ra do sự yếu lớp cơ thành bụng, ngay phía sau rốn của con bạn. Tất cả em bé đều bị thoát vị rốn khi còn ở trong tử cung mẹ. Thoát vị này thường sẽ tự đóng lại trước khi sinh nhưng cứ khoảng 5 trẻ thì có 1 bé sinh đủ tháng (sau 37 tuần) mà vẫn bị thoát vị rốn.
Nếu con bạn có thoát vị rốn, bạn có thể thấy một khối phồng (được gọi là túi thoát vị), đặc biệt xuất hiện rõ hơn khi trẻ khóc hoặc rặn.
Thoát vị rốn có thể gây nguy hiểm bởi vì ruột hoặc các cấu trúc khác bên trong ổ bụng có thể bị kẹt lại và nguồn cung cấp máu nuôi trở nên bị gián đoạn (được gọi là thoát vị nghẹt). Mặc dù thoát vị rốn hiếm khi gây ra những biến chứng này ở trẻ nhỏ nhưng chúng lại dễ gặp ở thoát vị rốn trên người trưởng thành.
Khi nào bạn nên thực hiện phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ?
Với trẻ em, phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp thoát vị rốn có đặc điểm:
Gây đau.
Đường kính túi thoát vị lớn hơn 1,5 cm.
Túi thoát vị lớn và không giảm kích thước trong hai năm đầu tiên.
Túi thoát vị chưa biến mất vào lúc trẻ được 4 tuổi.
Tạng thoát vị bị kẹt hoặc thoát vị gây ra tình trạng tắc ruột.
Với người lớn, phẫu thuật này thường được khuyến cáo để tránh các biến chứng có thể xảy ra – đặc biệt là nếu thoát vị rốn to dần lên hoặc trở nên đau đớn.
Điều cần thận trọng
Thận trọng/cảnh báo
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ?
Những điều bạn có thể bạn cần biết:
Thoát vị rốn thường sẽ tự đóng trước khi em bé được 1 tuổi. Nếu khối thoát vị không đóng khi bé được 3 tuổi thì hầu như trẻ sẽ cần phải phẫu thuật để đóng lại.
Sau phẫu thuật, trẻ sẽ không còn túi thoát vị. Phẫu thuật sẽ phòng tránh cho trẻ bị các biến chứng nguy hiểm mà túi thoát vị gây ra một khi trẻ lớn lên.
Thoát vị có thể tái phát.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em?
Bạn phải thảo luận với bác sĩ của trẻ về các loại thuốc trẻ sử dụng gần đây, tình trạng dị ứng hoặc các bệnh lý khác mà trẻ mắc phải, ngoài ra trước khi thực hiện phẫu thuật bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để cùng nhau lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn về thời điểm nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em là gì?
Phẫu thuật này thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân và mất khoảng một giờ.
Phẫu thuật thoát vị rốn có thể được thực hiện bằng hai cách khác nhau. Trong phương pháp mổ hở, phẫu thuật viên sẽ rạch một đường ngay bên dưới rốn của con bạn để sửa chữa khối thoát vị.
Thay cho phương pháp mổ hở, một kĩ thuật ít xâm lấn hơn có thể được thực hiện gọi là phẫu thuật nội soi ổ bụng, trong đó phẫu thuật viên sử dụng nhiều đường mổ nhỏ xung quanh vùng thoát vị. Một ống nhỏ, co dãn tốt với một đầu được gắn đèn sẽ được đưa vào trong bụng con bạn. Dụng cụ này được gọi là ống nội soi, và nó cho phép bác sĩ có thể quan sát bên trong ổ bụng của con bạn qua một màn hình. Bác sĩ sẽ đưa vào ổ bụng con bạn những dụng cụ phẫu thuật để sửa chữa khối thoát vị.
Bất kể là phương pháp nào, quá trình sửa chữa thực chất đều như nhau. Phẫu thuật viên sẽ nhẹ nhàng đẩy khối thoát vị vào lại bên trong ổ bụng của con bạn qua lỗ trên thành bụng. Đôi khi, một miếng lót bằng vật liệu tổng hợp sẽ được sử dụng để làm thành bụng của con bạn chắc chắn hơn.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em?
Con bạn có thể về nhà trong ngày.
Con bạn sẽ được cho thuốc giảm đau cũng như được dặn dò để giữ cho những mũi khâu được khô ráo.
Con bạn có khả năng quay trở lại trường sau một tuần nhưng không nên tập luyện gắng sức trong vòng sáu tuần sau phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ lên lịch tái khám trong vòng một vài tuần sau phẫu thuật để đánh giá sự hồi phục của con bạn.
Hầu hết trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn.
Biến chứng
Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em cũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em, con bạn còn có thể có biến chứng:
Tạo lại khối thoát vị qua vết mổ.
Chấn thương các cấu trúc nằm bên trong túi thoát vị.
Để lại sẹo xấu.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng của con bạn bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn ăn và ngưng một số thuốc nhất định.
Nguồn tham khảo
Thoát vị rốn ở trẻ, http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/umbilical-hernia/basics/treatment/con-20025630
Thoát vị rốn ở trẻ, http://www.healthline.com/health/umbilical-hernia-repair#Recovery4