Rau đắng biển

Tên hoạt chất: Rau đắng biển

Tác giả: Quyên Thảo

Tham vấn y khoa: Lê Thị Mỹ Duyên

Tên khoa học: Bacopa monnieri Scrophulariaceae

Tên thông thường: Brahmi, Jalnaveri, Jalanimba, Sambrani chettu, thyme-leaved gratiola, Bacopa, Babies tear, Bacopa monnieri, Hespestis monniera, Nirbrahmi

Tác dụng

Tìm hiểu chung về rau đắng biển

Rau đắng biển là thảo dược gì?

Rau đắng biển hay còn được gọi với tên khác là rau sam trắng, rau sam đắng, cây ruột gà, là loại cây thảo sống lâu năm. Thảo dược này có thân bò mọc dài trên mặt đất, dài từ 10-20cm, lá hình trái xoan, mọng nước, không cuống. Hoa màu trắng, có 5 cánh hoa, quả nang hình trứng có mũi, nhẵn, có nhiều hạt nhỏ.

Rau đắng biển ưa sống ở môi trường ẩm ướt, phát triển trong các kênh mương, suối, vùng cửa sông ven biển, đầm lầy, hay những bãi biển đầy cát trắng. Tại Việt Nam, rau đắng biển phân bố rộng rãi khắp các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc và miền Nam. Các tỉnh thành có nhiều rau đắng biển như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam, Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Thành phần của rau đắng biển là gì?

Rau đắng biển có chứa các thành phần như brahmin, herpestin, bacoside A và bacoside B, β1-oxalat, β2-oxalat, β3-chloroplatinate, sterol, axit betulic, stigmastarol, D-Mannitol, β-sitosterol.

Tác dụng của rau đắng biển là gì?

Rau đắng biển còn gọi là brahmi, là loại cây đã được dùng trong y học cổ truyền Ấn Độ. Brahmi là thuốc bổ não. Rau đắng biển được dùng để thúc đẩy sức khỏe tinh thần toàn thể bằng cách làm trẻ hóa chức năng tối ưu của não. Rau đắng biển có lợi trong:

  • Điều trị bệnh Alzheimer;

  • Cải thiện trí nhớ;

  • Giảm lo lắng;

  • Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD);

  • Chữa dị ứng;

  • Điều trị hội chứng ruột kích thích;

  • Chống stress;

  • Nhận thức;

  • Nâng cao sự tập trung;

  • Chữa bệnh tâm thần;

  • Điều trị co giật;

  • Điều trị động kinh;

  • Hiệu quả gây mê (không làm giảm cảm giác).

Người ta cũng dùng rau đắng biển để điều trị chứng đau lưng, khàn giọng, bệnh tâm thần, chứng động kinh, đau khớp và vấn đề về Tình dục ở cả nam và nữ.

Tác dụng dược lý của rau đắng biển

Rau đắng biển có các tác dụng dược lý sau:

  • Tác dụng trên huyết áp: Alkaloid brahmin chiết từ rau đắng biển với liều 0,5 mg/kg ở mèo có tác dụng làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, liều nhỏ hơn lại gây tăng huyết áp nhẹ do co mạch và kích thích cơ tim.

  • Tác dụng trên hô hấp: brahmin với liều nhỏ, có tác dụng kích thích hô hấp.

  • Tác dụng trên cơ trơn: ở nồng độ rất loãng 1/200000 đến 1/500 000, brahmin có tác dụng tăng co bóp ruột và tử cung cô lập.

  • Tác dụng kích thích hệ thần kinh: brahmin cũng giống như strychnin có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, gây hưng phấn các cơ quan, đặc biệt là kích thích tủy sống. Ngoài ra, nó có tác dụng kích thích trực tiếp trên tim, khác với strychnine ở chỗ chỉ gián tiếp kích thích tim.

  • Tác dụng chống ung thư: cao khô chiết cồn của toàn rau đắng biển có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư Walker carcinosarcoma 256 khi tiêm bắp cho chuột cống trắng.

  • Độc tính: brahmin có độc tính cao. Ếch bị chết trong vòng 10 phút với một liều 5mg/kg thể trọng, còn chuột cống trắng và chuột lang chết trong vòng 24 giờ khi dùng liều 25mg/kg.

  • Hoạt tính an thần, giải trừ lo âu: cao rau đắng biển (chứa 25% bacoside A) có tác dụng giải trừ Lo âu tương đương với benzodiazepam và lorazepam. Hoạt tính này phụ thuộc vào liều lượng sử dụng, không gây tác dụng không mong muốn (hay quên, nhầm lẫn) như lorazepam.

  • Hoạt tính chống oxy hóa: rau đắng biển có hoạt tính chống oxy hóa khi thử nghiệm trên não của chuột bằng xác định hoạt tính của các enzyme superoxide dismutase (SOD), catalase (CAT) và glutathion peroxidase (GPX). Hoạt tính này có thể so sánh với deprenyl. Tác dụng của rau đắng biển diễn ra trên toàn Não bộ trong khi tác động của deprenyl bị giới hạn.

  • Thí nghiệm trên chuột bị bệnh Alzheimer, rau đắng biển làm giảm tổng lượng β-amyloid (nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, gây bệnh Alzheimer) trong não.

  • Dịch chiết của rau đắng biển trong ethanol tác dụng trên chuột nhắt giúp làm giảm chứng Hay quên gây ra bởi Scopolamine (một loại ma túy), có thể do cơ chế làm cải thiện lượng acetylcholine.

Cơ chế hoạt động của rau đắng biển là gì?

Hiện nay vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Có một số nghiên cứu cho thấy:

  • Rau đắng biển làm tăng các chất có liên quan đến hoạt động suy nghĩ, học tập và trí nhớ ở trong não;

  • Một số nghiên cứu cho thấy rau đắng biển bảo vệ các tế bào não khỏi các chất liên quan đến bệnh Alzheimer.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ của rau đắng biển

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng rau đắng biển?

Phản ứng phụ thường gặp khi sử dụng rau đắng biển là:

  • Vận động ruột;

  • Co thăt dạ dày;

  • Buồn nôn;

  • Khô miệng;

  • Mệt mỏi;

  • Bệnh tiêu chảy.

Thảo dược này có thể gây dị ứng khi tiếp xúc với da.

Đây chưa phải là tất cả các tác dụng phụ của thảo dược này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.

Cảnh báo

Thận trọng khi dùng rau đắng biển

Trước khi dùng rau đắng biển bạn nên biết những gì?

Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ, nếu:

  • Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ;

  • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác;

  • Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây rau đắng biển hoặc các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác;

  • Bạn có bất kỳ bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác;

  • Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác, như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay động vật.

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng rau đắng biển với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của rau đắng biển như thế nào?

Rau đắng biển an toàn đối với hầu hết người lớn nếu dùng liều khuyến cáo và trong một thời gian giới hạn (không quá 12 tuần).

Bạn không nên dùng rau đắng biển cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Phụ nữ mang thai cần phải thận trọng khi sử dụng rau đắng biển. Qua nghiên cứu, thử nghiệm trên chuột, các hoạt chất trong rau đắng biển gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu. Vì vậy có khả năng làm tăng nguy cơ xuất huyết, sẩy thai.

Tương tác

Tương tác của rau đắng biển

Rau đắng biển có thể tương tác với những yếu tố nào?

Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi bạn sử dụng rau đắng biển. Đặc biệt nếu bạn có tình trạng sức khoẻ như:

  • Bệnh đái tháo đường: người bệnh ăn rau đắng biển có thể ảnh hưởng đến đường huyết và nồng độ insulin trong máu.

  • Bệnh tim: rau đắng biển có thể làm bệnh trầm trọng hơn ở những người bị nhịp tim chậm.

  • Loét dạ dày: rau đắng biển có thể làm tăng tiết dịch trong dạ dày và ruột, do đó có thể làm trầm trọng hơn các vết loét.

  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa: rau đắng biển có thể gây tắc nghẽn ruột và làm bệnh trầm trọng hơn ở những người đang bị tình trạng này.

  • Bệnh phổi: rau đắng biển có thể làm tăng tiết dịch trong phổi. Do đó, có thể làm trầm trọng hơn các bệnh phổi như hen suyễn hoặc khí phế thũng.

  • Rối loạn tuyến giáp: rau đắng biển có thể làm tăng nồng độ hormon tuyến giáp. Bạn nên thận trọng hoặc tránh dùng thảo dược này trong trường hợp này.

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: rau đắng biển có thể tăng tiết ở đường tiết niệu và có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Rau đắc biển có thể tương tác với một số thuốc như:

  • Người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu không nên dùng rau đắng biển trước khi chuẩn bị phẫu thuật hoặc nhổ răng.

  • Những người đang dùng thuốc chống trầm cảm sertralin, thuốc trị bệnh tuyến giáp hoặc thuốc chẹn canxi cũng không nên dùng rau đắng biển.

Nguồn tham khảo

Rau đắng biển, http://www.medicalhealthguide.com/herb/brahmi.htm

Rau đắng biển,