Tác giả: Giang Lê
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tìm hiểu chung
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm axit lactic
Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu
Tìm hiểu chung
Xét nghiệm axit lactic là gì ?
Xét nghiệm axit lactic là một Xét nghiệm máu đo nồng độ axit lactic được tạo ra trong cơ thể bạn. Hầu hết lượng axit lactic được tạo thành từ mô cơ và hồng cầu. Khi nồng độ oxy trong cơ thể ở mức bình thường, cacbonhidrat phân giải thành nước và carbon dioxide. Khi nồng độ oxy thấp, cacbonhidrat được phá vỡ tạo năng lượng và sản sinh ra axit lactic.
Nồng độ acid lactic cao lên khi bạn luyện tập gắng sức hoặc các bệnh lý khác – chẳng hạn như suy tim, nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết) hoặc sốc – giảm lưu lượng máu và oxy toàn cơ thể. Nồng độ axit lactic cũng có thể tăng cao khi gan bạn bị tổn thương hoặc mắc bệnh nghiêm trọng, bởi vì gan bình thường có vai trò thoái giáng axit lactic.
Nồng độ axit lactic rất cao có thể gây tình trạng nghiêm trọng, đôi khi đe doạ tính mạng còn được gọi là nhiễm toan lactic. Nhiễm toan lactic cũng có thể gặp ở người dùng Metformin (Glucophage) để điều trị tiểu đường khi có kèm suy tim, suy thận hoặc nhiễm trùng nặng.
Xét nghiệm axit lactic thường được thực hiện từ mẫu máu tĩnh mạch cánh tay nhưng cũng có thể lấy từ máu động mạch.
Khi nào bạn nên thực hiện Xét nghiệm axit lactic?
Bạn sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm axit lactic để:
Kiểm tra tình trạng nhiễm toan lactic (đây là tình trạng acid hóa của cơ thể bạn xảy ra khi có quá nhiều axit lactic được tạo thành). Các triệu chứng của nhiễm toan lactic bao gồm thở nhanh, vã mồ hôi nhiều, da lạnh ẩm, hơi thở có mùi mồ hôi, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, Lú lẫn và hôn mê.
Xem các mô trong cơ thể bạn có nhận được đủ lượng oxy hay không.
Tìm nguyên nhân của việc tăng lượng axit (giảm pH) máu.
Điều cần thận trọng
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm axit lactic?
Kết quả xét nghiệm axit lactic trong máu động mạch (khí máu động mạch) có thể chính xác hơn so với máu tĩnh mạch. Nắm chặt tay hoặc buộc dải băng đàn hồi lâu trong lúc rút máu có thể làm cho nồng độ axit lactic tăng giả.
Luyện tập hiếu khí là bài tập mà trong đó tim và phổi cung cấp đủ lượng oxy cho cơ thể bạn để sinh năng lượng. Bài tập kỵ khí sử dụng nhiều oxy hơn lượng mà tim và phổi bạn có thể cung cấp, do vậy nguồn cung năng lượng bị giảm, từ đó gây tăng nồng độ axit lactic trong cơ thể bạn. Thông thường các bài tập kỵ khí khiến người tập phải thực hiện chậm lại hoặc ngưng tập bởi vì sự tích tụ axit lactic gây đau cơ trung bình tới nặng, và cứng cơ. Tuy nhiên, một số vận động viên luyện tập cường độ cao học được cách chịu đựng nồng độ axit lactic tăng cao trong thời gian ngắn. Trong khi tập luyện hiếu khí, không khí bạn hít thở có chứa đủ oxy để sử dụng được đường huyết một cách bình thường và hoàn toàn đủ cho nhu cầu năng lượng của cơ thể bạn, khi đó nồng độ axit lactic không tăng.
Axit lactic có thể được đo trong các dịch cơ thể khác ngoài máu, chẳng hạn như dịch não tuỷ. Nồng độ axit lactic trong các dịch cơ thể thường tăng khi có nhiễm trùng. Bác sĩ cũng có thể đo lượng axit lactic trong dịch não tuỷ để xác định xem nhiễm trùng não là do vi khuẩn hay virus.
Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm axit lactic?
Để chuẩn bị cho xét nghiệm axit lactic, bạn nên:
Không ăn uống bất kỳ thứ gì trừ nước trong vòng 8 đến 10 giờ trước khi xét nghiệm.
Không tập luyện trong vòng vài giờ trước khi xét nghiệm. Tập luyện có thể gây tăng nồng độ axit lactic thoáng qua trong máu bạn.
Nếu bạn được truyền dịch trước xét nghiệm, hãy nói cho bác sĩ đó là loại dịch truyền gì, vì một số loại dịch truyền có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm axit lactic.
Quy trình thực hiện xét nghiệm axit lactic như thế nào?
Chuyên viên y tế lấy máu sẽ:
Quấn một dải băng quanh tay bạn để ngưng máu lưu thông.
Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn.
Tiêm kim vào tĩnh mạch. Có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết.
Gắn một cái ống để đựng máu chảy ra.
Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu.
Thoa miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừa tiêm.
Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm axit lactic?
Bạn có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường sau khi làm xét nghiệm. Bạn sẽ được hẹn lịch để lấy kết quả xét nghiệm. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm có ý nghĩa như thế nào. Bạn nên tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Hướng dẫn đọc kết quả
Hướng dẫn đọc kết quả
Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?
Kết quả sẽ có trong vòng 1 ngày.
Giá trị bình thường
Máu tĩnh mạch: 0.5-2.2 mEq/l hoặc 0.5-2.2 mmol/l
Máu động mạch: 0.5-1.6 mEq/l hoặc 0.5-1.6 mmol/l
Giá trị cao
Kết quả bất thường nghĩa là mô cơ thể đang không nhận đủ oxy.
Giá trị axit lactic cao, có thể gây ra do:
Mất nước nặng;
Vấn đề về máu, chẳng hạn như thiếu máu nặng hoặc bệnh bạch cầu (ung thư máu);
Bệnh gan hoặc tổn thương gan làm ngăn cản gan thoái giáng axit lactic trong máu;
Các bệnh lý như chảy máu nặng, sốc, nhiễm trùng nặng, suy tim, tắc nghẽn dòng máu tới ruột, nhiễm độc carbon monoxide hoặc thuyên tắc phổi (sự tắc nghẽn mạch máu trong phổi gây ra bởi cục máu đông, tế bào mỡ… làm ảnh hưởng cấp tính đến chức năng của phổi bạn) làm ngăn cản các tế bào của cơ thể bạn nhận đủ oxy;
Tập luyện gắng sức quá mức hoặc sốt quá cao;
Nhiễm độc cồn (ethanol, methanol) hoặc chất chống đông lạnh (ethylene glycol);
Một số thuốc, chẳng hạn như isoniazid (thuốc điều trị bệnh lao) hay metformin (Glucophage, điều trị tiểu đường). Nhiễm toan lactic là mối lo ngại gặp ở bệnh nhân uống metformin để kiểm soát tiểu đường, đặc biệt là nếu họ có chức năng thận kém.
Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.
Nguồn tham khảo
Lactic Acid, http://www.walkinlab.com/blood-disorder-tests/lactic-acid-plasma-test.html