Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

7 điều cần biết khi chụp nhũ ảnh mà phụ nữ nên nắm rõ

16/04/2021
7 điều cần biết khi chụp nhũ ảnh mà phụ nữ nên nắm rõ

Chụp nhũ ảnh (chụp x-quang tuyến vú) là công cụ sàng lọc tốt nhất để phát hiện sớm ung thư vú, khi mà bệnh có thể dễ điều trị hơn. Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật còn khá mới mẻ với phần đông phụ nữ. Tuy nhiên, với thực trạng bệnh ung thư vú đã đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư nguy hiểm ở nước ta (thống kê 2020) thì đã đến lúc chị em cần phải biết rõ hơn về kỹ thuật này. Bởi hơn hết, chụp X-quang tuyến vú chính là cách đơn giản nhưng cần thiết để phát hiện những cục u nhỏ khi chúng mới hình thành, giúp phụ nữ chủ động trong việc phòng chống ung thư vú

1. Chụp nhũ ảnh là gì?

Chụp nhũ ảnh là chụp X-quang vú để thu được hình ảnh cấu trúc của các tuyến vú, cho thấy những thay đổi bất thường ở bên trong vú mà việc thăm khám lâm sàng thông thường không phát hiện được. Hiện nay, chụp nhũ ảnh được xem là phương pháp phát hiện và tầm soát ung thư vú, ngay cả khi bệnh chưa có triệu chứng.

2. Những ai nên chụp nhũ ảnh?

Phụ nữ trên 40 tuổi nên thăm khám sức khỏe định kỳ và chụp nhũ ảnh từ 1 - 2 lần/năm để tầm soát ung thư vú, phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng.

● Phụ nữ có người thân trong gia đình (bao gồm mẹ, chị hoặc em gái) bị ung thư vú trước 50 tuổi, hoặc đã từng bị ung thư vú một bên, gặp vấn đề trong sinh sản như vô sinh, hiếm muộn hoặc không thể cho con bú, có kinh nguyệt sớm và bị mãn kinh muộn (trên 55 tuổi) nên chụp nhũ ảnh sớm và thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh.

● Phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào nếu cảm thấy đau vú bất thường, chảy dịch ở núm vú, dày da vú, co kéo núm vú, vị trí núm vú bất thường, sờ thấy khối u ở vú nên chụp nhũ ảnh ngay khi thấy biểu hiện để được chẩn đoán bệnh sớm.

3. Quy trình thực hiện chụp nhũ ảnh

Quy trình thực hiện chụp nhũ ảnh bao gồm các bước sau:

Bước 1: Đưa bệnh nhân đến trước máy chụp, có thể ngồi hoặc đứng.

Bước 2: Đặt vú cần chụp lên trên một mặt phẳng. Dùng tấm plastic đè ép lên trên vú và giữ cố định. Mục đích của ép vú là dàn mỏng tuyến vú để có thể quan sát mô tuyến vú dễ dàng hơn, hạn chế nhiễu ảnh và tia X tác động tới vú.

Bước 3: Để chụp được toàn bộ tuyến vú, có thể chụp từ trên xuống dưới (chụp đầu đuôi), chụp từ trong ra ngoài (chụp ngang) và chụp chếch từ góc trong phía trên xuống (chụp chếch bên). Các tư thế chụp này sẽ bổ sung để có thể thu được hình ảnh toàn bộ của tuyến vú.

4. Những điều bạn cần lưu ý trước khi chụp nhũ ảnh

  • Nên chụp nhũ ảnh sau khi kết thúc kinh nguyệt 1 tuần đối với mục đích tầm soát ung thư vú, bởi đây là thời gian mà nồng độ Estrogen đã giảm, độ căng của tuyến vú cũng giảm do giảm giữ nước.

  • Nên chụp nhũ ảnh trong giai đoạn có kinh nguyệt đối với mục đích chẩn đoán ung thư vú.
  • Trước và trong khi chụp, nên thông báo cho bác sĩ về việc đã phẫu thuật Nâng ngực hoặc có đặt túi ngực. Không sử dụng nước hoa, hoặc thoa kem, phấn ở vùng ngực, nách vì có thể cho kết quả hình ảnh không chính xác.

5. Chụp nhũ ảnh có nguy hiểm không?

Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X. Do đó, cũng tương tự như hình thức chụp X-quang khác, người bệnh đều phải tiếp xúc với một lượng phóng xạ nhất định trong quá trình chụp, tuy nhiên, lượng phóng xạ này rất nhỏ và không gây nguy hiểm.

Trường hợp người cần chụp là thai phụ sẽ được chụp với một lớp chì trước bụng để hạn chế tia X ảnh hưởng đến thai nhi.

Chụp nhũ ảnh là phương pháp chẩn đoán hiện đại, cho phép phát hiện và tầm soát bệnh ung thư vú ở phụ nữ trong bất kỳ độ tuổi nào, khi bệnh chưa có biểu hiện.

6. Chụp nhũ ảnh có đau không?

Đôi khi, áp lực từ các tấm plastic phẳng ép vào ngực khiến cho bạn bị đau. Tuy nhiên, sự khó chịu này thường chỉ thoáng qua. Nếu đang trong kỳ kinh nguyệt nhạy cảm, bạn có thể dời lại Xét nghiệm sau khi qua kỳ kinh.

7. Kết quả chụp mammography được đánh giá thế nào?

Các bác sĩ X-quang sử dụng một hệ thống gọi là BI-RADS để phân loại kết quả chụp nhũ ảnh theo điểm số từ 0 đến 5 như sau:

  • 0 - Thông tin là chưa đủ để kết luận.
  • 1 - Không có gì bất thường. Bạn nên tiếp tục kiểm tra định kỳ.
  • 2 - Phát hiện U nang lành tính (là khối u nhưng không phải ung thư). Bạn nên tiếp tục kiểm tra định kỳ.
  • 3 - Phát hiện bất thường nhưng chưa chắc là ung thư. Nên thực hiện chụp nhũ ảnh trong vòng 6 tháng tiếp theo.
  • 4 - Phát hiện có yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư. Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để xác định.
  • 5 - Phát hiện nguy cơ cao xảy ra ung thư. Bạn cần phải sinh thiết để xác định.