Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ai nên sàng lọc ung thư dạ dày và khi nào?

19/10/2020
Ai nên sàng lọc ung thư dạ dày và khi nào?

Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc tiến hành sàng lọc và điều trị dự phòng mang lại hiệu quả tích cực bởi ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn. Vậy ai nên sàng lọc ung thư dạ dày và khi nào?

1. Ung thư dạ dày là bệnh gì?

Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển Khối u ác tính trong dạ dày. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp và rất dễ di căn đến các bộ phận khác. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong

2. Nguyên nhân Ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ giữa khả năng bị ung thư dạ dày với việc hút thuốc và chế độ Dinh dưỡng nhiều muối. Họ nhận thấy chất nitrat có trong các thành phần nói trên có thể được vi khuẩn trong dạ dày chuyển hóa thành nitrit, đây là chất gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là H.pylori) gây Loét dạ dày cũng có thể gây ra bệnh này.

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm:

  • Chế độ ăn nhiều muối và thức ăn xông khói;
  • Ăn thức ăn nấm mốc;
  • Gia đình có tiền sử bị ung thư dạ dày;
  • Nhiễm khuẩn pylori;
  • Bị Viêm dạ dày lâu năm;
  • Mắc bệnh thiếu máu ác tính;
  • Hút thuốc;
  • Có polyp dạ dày (khối u nhỏ, lành tính).

Ai nên sàng lọc ung thư dạ dày và khi nào? - ảnh 1

3. Cần sàng lọc ung thư dạ dày khi gặp các triệu chứng sau

  • Cảm giác khó chịu bụng nhẹ như buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng.
  • Khó nuốt do khối u liên quan đến phần trên của dạ dày, gần thực quản
  • Cảm giác đầy bụng sau khi chỉ dùng một lượng nhỏ thức ăn

Các triệu chứng sau đây có thể cho thấy bệnh tiến triển:

  • Mệt mỏi
  • Giảm cân
  • Thiếu máu thiếu sắt
  • Mất máu - Nôn ra máu hoặc chất giống bã cafe hoặc đại tiện phân đen
  • Buồn nôn và nôn - Triệu chứng muộn do sự tắc nghẽn lưu thông dạ dày do ung thư tiến triển

4. Ai cần sàng lọc ung thư dạ dày?

  • Nam/Nữ, > 18 tuổi nên khám định kỳ để sàng lọc bệnh lý về ung thư dạ dày
  • Chế độ ăn uống thiếu trái cây tươi và rau củ, thói quen ăn đồ muối chua mặn, thịt muối hoặc hun khói và những thực phẩm được bảo quản kém chất lượng
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Những người đã được điều trị bệnh viêm Loét dạ dày tá tràng hoặc Loét tá tràng bằng cắt đoạn dạ dày có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư phát triển ở phần dạ dày còn lại, đặc biệt là ít nhất 15 năm sau khi phẫu thuật
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày
  • Những người có Nhóm máu A cũng có nguy cơ gia tăng.

5. Ung thư dạ dày được tầm soát như thế nào?

Bước 1: Khám lâm sàng

Đây là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng trong khám tầm soát ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh sử cá nhân và gia đình nếu có, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải… nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu của bệnh.

Bước 2:  Nội soi dạ dày

Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong. Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn. Ngoài ra các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, tăng sản, dị sản, loạn sản…Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm Helocobacter Pylori, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng.

Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển khá nhanh, do đó trong sàng lọc, vai trò của nội soi dạ dày chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.

Bước 3: Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT. Bác sĩ chủ yếu dựa vào các hình ảnh để đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phận xung quanh.

Bước 4: Sinh thiết

Phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không. 

6. Cách phòng ngừa ung thư dạ dày

  • Hạn chế ăn đồ ăn mặn: Chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.
  • Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. - Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.