1. Cách cơ thể xử lý thức ăn sau phẫu thuật dạ dày
Trước khi phẫu thuật dạ dày, người bệnh thường gặp các triệu chứng buồn nôn do tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị liệu, dẫn đến người bệnh ít thèm ăn và giảm cân.
Phẫu thuật ung thư dạ dày sẽ thay đổi cuộc sống của người bệnh. Khoảng một hoặc hai năm sau khi phẫu thuật, cơ thể người bệnh mới có thể điều chỉnh được trong hoàn cảnh cơ thể không có dạ dày.
Ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ dành khoảng 5 ngày trong bệnh viện để hồi phục. Cho đến khi được ăn trở lại bằng đường miệng, người bệnh sẽ được nhận các chất Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc qua ống sonde dạ dày.
Sau đó, người bệnh sẽ bắt đầu ăn chế độ ăn lỏng vài ngày sau phẫu thuật và chuyển sang chế độ ăn nhẹ khoảng một tuần sau phẫu thuật.
Thông thường, dạ dày của người bệnh có chức năng giữ thức ăn và khởi động quá trình tiêu hóa. Thực phẩm sau đó chuyển từ dạ dày đến tá tràng, đây là phần đầu tiên của ruột non. Nếu những quá trình này không xảy ra, thức ăn sẽ không được tiêu hóa hoàn toàn.
Ngoài ra, nếu van kiểm soát thức ăn đi ra khỏi dạ dày để đi vào ruột non bị cắt bỏ, thức ăn sẽ đi qua hệ thống tiêu hóa nhanh hơn và người bệnh sẽ không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng như trước.
Khi hồi phục, người bệnh có thể cảm nhận thấy dạ dày nhỏ hơn hoặc biến mất, khiến người bệnh cảm thấy no nhanh hơn. Sau phẫu thuật, cách cơ thể tiêu hóa thức ăn sẽ khác rất nhiều so với trước phẫu thuật. Ví dụ, đường có thể gây ra Hội chứng Dumping (dumping syndrome) sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, trong đó nước thừa được hút vào dạ dày hoặc ruột non và thức ăn đi quá nhanh trong hệ thống tiêu hóa. Đây là một trong những biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.
Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm chuột rút và tiêu chảy. Các triệu chứng này có thể bắt đầu trong vòng 20 phút sau khi ăn. Những người không dung nạp đường sữa trước khi phẫu thuật có thể gặp biến chứng này. Ngoài ra, chất béo có thể khó tiêu hóa hơn so với đường.
2. Phẫu thuật Ung thư dạ dày ăn gì?
Có một số biện pháp mà người bệnh có thể thực hiện để hạn chế sự khó chịu do không tiêu hóa được thức ăn gặp phải trong thời gian đầu sau phẫu thuật, cụ thể như sau:
- Thay vì ăn ba bữa một ngày, hãy chia thức ăn của người bệnh thành các bữa ăn nhỏ hơn và ăn nhiều bữa hơn;
- Nhai kỹ thức ăn và ăn chậm;
- Uống nhiều nước (tám đến mười ly, tương đương với khoảng 8 ounce mỗi ngày), nhưng người bệnh không nên uống quá nhiều trong hoặc khoảng thời gian xung quanh bữa ăn. Cắt giảm đồ uống có ga như soda;
- Khi bác sĩ cho phép, người bệnh có thể thêm đường, chất béo và sữa trở lại một cách từ từ;
- Không nên ăn nhiều chất xơ. Do chất xơ có thể làm cho người bệnh cảm giác nhanh đầy bụng và không thoải mái;
- Người bệnh nên viết nhật ký ăn uống để giúp bản thân tìm ra các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng khó chịu và từ đó, giúp người bệnh tránh các loại thực phẩm này, từ đó làm giảm bớt các vấn đề khó chịu sau phẫu thuật;
- Người bệnh nên tập trung vào các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, đậm đặc chất dinh dưỡng và ít đường.
Nếu người bệnh đang giảm cân hoặc đang lo lắng không có đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm, người bệnh có thể bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt nếu người bệnh đã phẫu thuật cắt dạ dày. Để biết thêm thông tin chi tiết, người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ về các thực phẩm chức năng bổ sung.
Nếu người bệnh đã cắt toàn bộ dạ dày, họ sẽ cần tiêm vitamin B12 thường xuyên. Nhưng nếu loại bỏ một phần dạ dày, người bệnh hãy chọn các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt, canxi, vitamin C và vitamin D. Ngoài ra, Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ biết liệu tình trạng dinh dưỡng của người bệnh và chế độ dinh dưỡng có cần điều chỉnh hay không.
Để tránh mắc bệnh ung thư dạ dày, bạn nên tầm soát ung thư sớm, nhất là khi tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư như Ung thư thực quản - dạ dày hoặc thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như thói quen ăn đồ muối chua mặn, hút thuốc lá thường xuyên, làm việc trong môi trường ô nhiễm.