Mục lục:

Bệnh đau dạ dày có bị lây không?

Đau dạ dày có bị lây không là câu hỏi mà Vinmec nhận được khá nhiều thông qua hòm thư thắc mắc, chủ yếu là từ người nhà của bệnh nhân đau dạ dày. Đây là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với người bệnh do vậy họ sẽ có những lo ngại về vấn đề lây nhiễm bệnh. Thật không may, câu trả lời là đau dạ dày hoàn toàn có thể lây lan.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là căn bệnh phổ biến hiện nay ở Việt Nam, nguyên nhân là do lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương gây viêm, loét. Người bị đau dạ dày sẽ xuất hiện những cơn đau âm ỉ kéo dài rất khó chịu. Những triệu chứng phổ biến của bệnh như: đau vùng thượng vị, đầy hơi khó tiêu, ợ chua, mệt mỏi chán ăn, buồn nôn, Thần kinh căng thẳng...

Ngày nay tỷ lệ mắc bệnh đau dạ dày tại Việt Nam ngày càng tăng lên, đối tượng mắc bệnh không có giới hạn về giới tính hay độ tuổi. Nếu như không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nghiêm trọng như: ung thư dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày,...

2. Bệnh đau dạ dày có lây không?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau dạ dày như chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học, sử dụng chất kích thích như rượu bia,... Tuy nhiên nguyên nhân chính gây nên bệnh đau dạ dày và chiếm đến hơn 80% số ca bệnh đó là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Đây là loại vi khuẩn sinh sống trong môi trường acid ở dạ dày cơ thể người.

Bệnh đau dạ dày có bị lây không? - ảnh 1
Vi khuẩn Hp gây ra bệnh đau dạ dày

Nhiễm vi khuẩn HP thuộc dạng phổ biến nhất trên thế giới, người bị nhiễm không hề có biểu hiện bất thường nào. Trong quá trình lâu dài về sau sẽ gây nhiều bệnh lý về dạ dày nguy hiểm như: viêm loét dạ dày, bệnh dạ dày mãn tính, ung thư dạ dày,...

Trong tất cả những nguyên nhân gây đau dạ dày thì chỉ có nhiễm khuẩn HP mới lây nhiễm.

3. Đau dạ dày lây nhiễm thông qua con đường nào?

Theo nghiên cứu thì có 3 con đường lây nhiễm Helicobacter Pylori như sau:

3.1 Đau dạ dày lây truyền qua đường miệng - miệng

Đường miệng - miệng là con đường lây nhiễm thường gặp nhất do khuẩn Hp còn có thể được tìm thấy trong nước bọt của những bệnh nhân đau dạ dày. Do đó việc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nước bọt hoặc nước dịch tiêu hóa của người bệnh là nguyên nhân lây nhiễm đau dạ dày. Chính vì thế, ăn uống chung đụng với người bệnh mà không sử dụng bát đũa riêng, chấm cùng một bát nước mắm, uống chung cốc,... là nguyên nhân lây nhiễm khuẩn Hp cao nhất. Ngoài ra việc hôn nhau với người bệnh cũng tạo điều kiện cho việc lây lan bệnh.

Bệnh đau dạ dày có bị lây không? - ảnh 2
Đau dạ dày do vi khuẩn Hp lây truyền qua đường miệng - miệng

3.2 Lây nhiễm qua dạ dày - miệng hoặc dạ dày - dạ dày

Đây là hình thức lây nhiễm ít gặp nhưng không phải không có, nguyên nhân chủ yếu do thiết bị khám chữa ở những cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị Trào ngược dạ dày thực quản gây cảm giác Bỏng rát khó chịu, đây còn là điều kiện thuận lợi để khuẩn Hp từ dạ dày đưa ngược lên miệng.

Khi thực hiện Nội soi dạ dày, đầu ống Nội soi sẽ đưa qua miệng bệnh nhân xuống dạ dày, nếu không sát khuẩn đầy đủ sẽ khiến khuẩn Hp bám lại, từ đó tạo điều kiện lây lan cho những người khám chữa sau này. Do đó lựa chọn cơ sở y tế uy tín là điều nên làm để hạn chế những nguy cơ lây bệnh không đáng có.

3.3 Lây nhiễm qua đường phân - miệng

Vi khuẩn HP trong đường ruột sẽ được đào thải trực tiếp cùng với phân, đây là nguồn lây lan nguy hiểm và rất khó kiểm soát. Sau khi đi vệ sinh, nếu không vệ sinh sạch sẽ hoặc tiếp xúc gián tiếp với phân của người bệnh thì nguy cơ nhiễm khuẩn hp là rất cao. Việc sử dụng phân để tưới rau cũng là nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn HP mà bạn cần chú ý.

Bệnh đau dạ dày có bị lây không? - ảnh 3
Đau dạ dày do vi khuẩn Hp có thể lây truyền gián tiếp thông qua động vật trung gian

4. Những biện pháp phòng ngừa lây bệnh đau dạ dày

Việc ăn uống chung trong gia đình là điều khó có thể tránh khỏi, tuy nhiên đây chính là lý do chính lây nhiễm Helicobacter Pylori. Do đó nên có những biện pháp chủ động phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của bệnh. Cụ thể như sau:

  • Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bệnh đau dạ dày thì nên đi khám ngay ở những cơ sở y tế uy tín để điều trị dứt điểm sớm nhất có thể, đây là biện pháp hiệu quả nhất để cắt đứt nguồn lây bệnh.
  • Sử dụng riêng những vật dụng cá nhân, bát đũa, muỗng thìa, cốc chén,... với người bệnh cho đến khi được điều trị dứt điểm. Tốt nhất có một khẩu phần ăn riêng đối với người bệnh đau dạ dày để hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
  • Không nên nhai mớm cơm cho con trẻ nếu bản thân đang bị đau dạ dày để tránh lây nhiễm.
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi ăn và đi vệ sinh.
  • Bảo quản thức ăn cẩn thận để tránh nguy cơ lây nhiễm từ những nguồn trung gian.

Đau dạ dày có thể lây từ người sang người nhưng không phải trường hợp nào cũng lây nhiễm. Trong tất cả những nguyên nhân gây đau dạ dày thì chỉ có nhiễm Helicobacter Pylori mới lây nhiễm. Còn lại các lý do như chế độ sinh hoạt, ăn uống, sử dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc... không có khả năng lây nhiễm. Do đó người bệnh cần xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh để có những biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung