Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bị giãn phế quản sau lao phổi

04/06/2021
Bị giãn phế quản sau lao phổi

Hiện nay, bệnh lao vẫn là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở nước ta. Bệnh lao hoàn toàn có thể được điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều trị muộn có thể dẫn đến những di chứng lao phổi nghiêm trọng như ho máu, giãn phế quản, xơ phổi,...

1. Lao phổi là gì?

Lao phổi là một bệnh Truyền nhiễm do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ cơ quan bao gồm các hạch bạch huyết, hệ Thần kinh trung ương, gan, xương, tiết niệu sinh dục và đường tiêu hóa, nhưng thường gây ảnh hưởng đến phổi.

2. Giãn phế quản sau lao phổi

Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục các phế quản có kèm phá hủy thành vách phế quản. Giãn phế quản là một trong những biến chứng lao phổi thường gặp. Giãn phế quản sau Lao phổi có thể phát triển theo 2 cơ chế sau: thứ nhất là do nhu mô phổi bị phá hủy và xơ hóa dẫn đến co kéo và giãn phế quản không hồi phục; thứ hai là chít hẹp phế quản do xơ Sẹo sau lao nội phế quản cục bộ. Vì đa số trường hợp lao hậu tiên phát, tổn thương lao ở các phân thùy đỉnh và phân thùy sau của thùy trên nên giãn phế quản thường gặp ở các vị trí này là vị trí dẫn lưu phế quản tốt, do đó các triệu chứng thường nghèo nàn.

Triệu chứng của giãn phế quản là khạc đờm mạn tính. Đờm nhầy để lắng thành nhiều lớp, khi có nhiễm trùng thì thành mủ. Ngoài ra, còn có Ho ra máu vừa là triệu chứng và là biến chứng của giãn phế quản. Có thể chỉ là máu dính lẫn trong đờm, có thể là Ho ra máu lượng nhiều, dai dẳng. Nguyên nhân là các mạch máu ở thành phế quản đã bị giãn nở to ra, khi vỡ gây ra tình trạng ho ra máu.

Bị giãn phế quản sau lao phổi - ảnh 1
Giãn phế quản là di chứng lao phổi thường gặp.

3. Điều trị giãn phế quản sau lao phổi

  • Phục hồi chức năng hô hấp: thường xuyên tập thở sâu, đều, ho có điều khiển, gõ ngực cho đờm dễ dàng dẫn lưu ra ngoài, nằm đầu thấp với các tư thế khác nhau tùy theo vùng phế quản giãn nhiều lần trong ngày để dẫn lưu theo tư thế.
  • Nếu có dấu hiệu sốt, khạc nhiều đờm, đờm mủ, biến chứng nhiễm khuẩn nhu mô, màng phổi cần được điều trị bằng các kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tránh xa những yếu tố kích thích phế quản: thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than...