Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bị nhiễm HPV gây mụn cóc sinh dục, có nên tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung?

19/11/2021
Bị nhiễm HPV gây mụn cóc sinh dục, có nên tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung?

Bệnh mụn cóc sinh dục xuất phát từ virus HPV, thường gây đau, khó chịu và ngứa tại cơ quan sinh dục. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ vì một vài chủng HPV có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung và âm hộ. Để phòng ngừa sự gây bệnh của virus này, chủ động tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung từ sớm là vô cùng cần thiết.

1. Tổng quan về mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục là bệnh do virus HPV (Human Papilloma) chủng 6 và 11 gây ra với biểu hiện là các khối mụn thịt nhỏ có màu giống màu da cơ quan sinh dục, cứng và mọc gần nhau thành từng mảng.

Mụn cóc sinh dục thường khiến người bệnh Ngứa ngáy, khó chịu và gia tăng nguy cơ bội nhiễm khi các nốt mụn vỡ, lây nhiễm HPV cho bạn tình khi quan hệ tình dục.

Nguyên nhân lây nhiễm

Có nhiều con đường dẫn đến mụn cóc sinh dục ở nữ và nam, trong đó kể đến một số nguyên nhân như:

  • Quan hệ Tình dục không an toàn (bất kể đường nào cũng đều có nguy cơ như nhau);
  • Tiếp xúc, đụng chạm trực tiếp với mầm bệnh (dịch, mủ, vết thương...);
  • Dùng chung vật dụng, đồ đạc cá nhân (bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, đồ lót...);
  • Lây truyền từ mẹ sang con.
Bị nhiễm HPV gây mụn cóc sinh dục, có nên tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung? - ảnh 1
Mụn cóc sinh dục có thể bị lây truyền sang bé khi mẹ mang thai

2. Vì sao cần tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung?

Nhóm virus HPV có hơn 100 chủng loại, trong đó hơn 40 chủng lây truyền qua đường tình dục, gây ảnh hưởng đến các cơ quan sinh dục và hậu môn ở cả nam và nữ giới:

  • Các chủng HPV có nguy cơ cao (vd chủng 16 và 18) có thể gây tổn thương tiền ung thư, Ung thư cổ tử cung, ung thư ở các cơ quan sinh dục khác (âm hộ, âm đạo);
  • Các chủng HPV nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc sinh dục.

Do đó, việc tiêm phòng Vắc-xin HPV không chỉ để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung mà còn để tránh mắc các bệnh lý sinh dục khác do các chủng virus HPV gây ra.

Bị nhiễm HPV gây mụn cóc sinh dục, có nên tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung? - ảnh 2
Nhóm virus HPV gây ra các bệnh ảnh hướng đến cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ

3. Nếu đã nhiễm HPV gây mụn cóc sinh dục, có nên tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung?

Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ nhiễm cùng lúc 4 chủng HPV là cực kỳ thấp (khoảng 0,1%). Tuy nhiên virus HPV vẫn có thể tái nhiễm trong cơ thể người bệnh và cơ chế miễn dịch tự nhiên không đủ kháng thể để chống lại. Cách phòng tránh bệnh hiệu quả là tiêm Vắc-xin HPV với các tác dụng:

  • Ngăn ngừa nhiễm các chủng HPV còn lại có trong vắc-xin;
  • Thải trừ virus đã nhiễm tốt hơn;
  • Ngừa bệnh tái phát;
  • Vắc-xin Gardasil có thể ngừa một số chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung;
  • Vắc-xin Cervarix có thể bảo vệ người tiêm khỏi các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung (nhưng không chống lại các chủng gây mụn cóc sinh dục).
Bị nhiễm HPV gây mụn cóc sinh dục, có nên tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung? - ảnh 3
Vắc-xin HPV có thể bảo vệ cơ thể khỏi ung thư cổ tử cung

4. Liều tiêm chủng

Ung thư cổ tử cung và các bệnh lây nhiễm qua đường Tình dục đều là những bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của nữ giới. Phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là chị em sớm chủ động tiêm ngừa vắc-xin ung thư cổ tử cung và các bệnh lý sinh dục liên quan.

Nam và nữ giới từ 9-26 tuổi đều có thể tiêm vắc-xin HPV. Liều tiêm chia làm 3 đợt. Vắc-xin này được khuyến nghị nên tiêm trước khi có quan hệ tình dục (trước khi phơi nhiễm với HPV) để đạt được hiệu quả ngăn ngừa tốt nhất.