1. Nhiễm khuẩn do phẫu thuật
Nhiễm khuẩn do phẫu thuật là biến chứng nặng nề, có tỷ lệ nhất định tùy thuộc vào từng cơ sở điều tri.Trong hệ thống bệnh viện Vinmec có tỷ lệ < 0,5% đối với phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.
Sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân phải nằm bất động, mọi sinh hoạt đều diễn ra tại giường, hạn chế cử động, hạn chế Hô hấp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của các chủng vi khuẩn ngoại lai lẫn thường trú gây ra biến chứng nhiễm khuẩn sau mổ.
Bên cạnh đó, do thay khớp háng nhân tạo là phẫu thuật lớn cần gây mê thở máy nội khí quản. Trong khi đối tượng là người bệnh lớn tuổi, chức năng hô hấp Tim mạch đã phần nào hạn chế, khả năng cai máy thở đôi khi gặp nhiều khó khăn. Khi rút ống thở thất bại, bệnh nhân lại lệ thuộc máy, càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng cực độc.
Hơn nữa thay khớp háng có đường mổ lớn, thời gian mổ dài, kỹ thuật phức tạp và có sử dụng vật liệu nhân tạo từ bên ngoài đưa vào. Như vậy, hoàn toàn không thể tránh khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn xảy ra trên bề mặt vết thương cũng như bên trong mô cơ thể, xung quanh bộ phận cấy ghép. Tình trạng xuất hiện có thể trong vài ngày đầu sau mổ, tức vẫn còn nằm viện hay xuất hiện muộn, sau mổ vài tháng đến vài năm. Nếu ổ nhiễm lan theo dòng máu, gây ra nhiễm trùng huyết sẽ nhiều nguy cơ dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.
2. Hình thành cục máu đông
Sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm Bất động vài tiếng đến 1-2 ngày tại giường nhằm ổn định vết mổ tùy thuộc sức khỏe của người bệnh. Mọi sinh hoạt thường ngày đền phải diễn ra tại giường bệnh. Chính yếu tố này làm máu ứ trệ trong hệ tuần hoàn ở chi dưới, làm cho khả năng hồi lưu máu về tim kém và thúc đẩy hình thành các cục máu đông.
Các cục máu đông được tạo lập và phát triển lớn dần trong hệ thống tĩnh mạch sâu ở chi dưới như tĩnh mạch chậu là những trường hợp thường gặp sau phẫu thuật thay khớp háng nói riêng và các phẫu thuật lớn vùng chậu nói chung, khi người bệnh cần Bất động tại giường bệnh.
Các cục máu đông có nguy cơ gây tắc nghẽn tĩnh mạch, làm chân sưng to, đau nhức và chèn ép hệ động mạch chạy song song, có thể gây thiếu máu kéo dài dẫn đến Hoại tử chân. Mặt khác, nếu cục máu đông di chuyển trong hệ tỉnh mạch sâu đến phổi sẽ làm thuyên tắc tỉnh mạch phổi, gây suy hô hấp cấp tính dẫn tới đột tử.
3. Độ dài chân không đều
Độ dài chân không đều là một mối lo cần cân nhắc trước khi quyết định thay khớp háng nhân tạo. Phẫu thuật tác động trên một chân, sau khi vết thương lành hẳn, ổ khớp ổn định, bệnh nhân bắt đầu đứng và đi lại sẽ có nguy cơ chân này dài hơn hoặc ngắn hơn chân đối bên.
Nếu ở mức độ chênh lệch thấp, bệnh nhân có thể cố gắng dung nạp được bằng cách đi giày tăng giảm chiều cao. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân khó dung nạp với những điều chỉnh từ bên ngoài hay mức độ chênh lệch quá nhiều, khả năng giữ vững cân bằng cơ thể sẽ không còn bảo toàn, làm tăng áp lực chống đỡ, gây tổn thương thoái hóa trên các khớp lớn khác
4. Di lệch ổ khớp
Biến chứng này xảy ra khi khối cầu của khớp háng nhân tạo bị rơi ra khỏi ổ cối. Nguy cơ xảy ra biến chứng di lệch lớn nhất trong vài ngày đến vài tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Sau thời gian này, các mô nâng đỡ quanh ổ khớp đã lành lặn, tạo được tính trương lực thì nguy cơ di lệch ổ khớp sẽ ít gặp hơn.
Nếu khối cầu rơi ra khỏi ổ cối trong giai đoạn sớm, mô cơ xung quanh khớp còn lỏng lẻo, thủ thuật nắn kín có thể giúp đưa khối cầu trở về vị trí ban đầu mà không cần phẫu thuật lại. Nếu biến cố xảy ra muộn hơn, thủ thuật này khó thực hiện hơn hay thực hiện không thành công thì đòi hỏi cần phải phẫu thuật lại.
5. Ổ khớp nhân tạo bị bào mòn
Mặc dù sử dụng vật liệu nhân tạo, nhưng theo thời gian, các hoạt động sống của cơ thể, nhu cầu đi lại, trong lực của thân mình, áp lực đè nén đặt lên ổ khớp cũng sẽ khiến cho bộ phận này bị lỏng lẻo hoặc bào mòn.
Không chỉ như thế, cấu trúc xương bên dưới cũng có nguy cơ tiêu mỏng đi hay trở nên xốp hơn do loãng xương. Điều này càng khiến cho trụ khớp mất tính ổn định, di lệch, dễ bị bào mòn và đôi khi còn gây đau đớn, hạn chế khả năng đi lại của người bệnh.
6. Các biến chứng khác
Bên cạnh những biến chứng nêu trên, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cũng có nguy cơ làm tổn thương các cơ quan lân cận như thần kinh, mạch máu, sang chấn trên xương, dây chằng... Những biến cố này có thể gây hạn chế cử động khớp ngay sau phẫu thuật hay trong thời gian về lâu dài.
7. Giải pháp xử lý các biến chứng sau thay khớp háng
Tùy vào từng biến chứng sau thay khớp háng mà sẽ có các hướng xử trí khác nhau. Nếu ở mức độ nhẹ, khu trú và đáp ứng với các biện pháp nắn chỉnh, bệnh nhân chỉ cần theo sự hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu. Đối với các tổn thương lớn, mức độ nặng nề hơn, đôi khi cần phẫu thuật lại.
Cụ thể là nếu nhiễm khuẩn vết mổ, mức độ khu trú trên vết thương nông ngoài da, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh đường toàn thân và tập trung chăm sóc, thay băng vết thương tại chỗ. Tuy nhiên, nếu đánh giá thấy phạm vi nhiễm khuẩn bao trùm toàn bộ phẫu trường từng can thiệp, kháng sinh không đáp ứng, ổ mủ sưng to, tạo khối apxe, nguy cơ nhiễm trùng huyết thì đòi hỏi phải phẫu thuật lại (Revision). Khi đó, bệnh nhân sẽ được tiến hành cắt lọc, hút áp lực âm, dọn sạch, tưới rửa ổ nhiễm và có khi cần tháo bỏ vật liệu nhân tạo.
Đối với các biến chứng khác thì cách thức can thiệp cũng tương tự và không ít các trường hợp cần sự phối hợp đa chuyên khoa. Chính vì thế, việc đánh giá kỹ lưỡng các bệnh nhân trước phẫu thuật, lập kế hoạch, protocol phù hợp với từng đối tượng là rất quan trọng. Đồng thời, thành công của phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, giảm thiểu các biến chứng hậu phẫu còn phụ thuộc vào hệ thống phòng mổ đạt tiêu chuẩn, các phương tiện máy móc hiện đại cũng như bàn tay tinh tế và khối óc nhạy bén của đội ngũ bác sĩ Ngoại khoa.