Mục lục:

Bệnh thông liên thất: Biến chứng và phương pháp điều trị

Hiện nay, bệnh thông liên thất chiếm 15-20% trong tất cả các bệnh tim bẩm sinh. Bài viết dưới đây sẽ nêu một vài biến chứng của bệnh thông liên thất và phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh Thông liên thất là gì?

Bệnh Thông liên thất hay còn có tên viết tắt tiếng Anh là VSD, là một dạng bệnh Tim bẩm sinh phổ biến nhất hiện nay.

Trong cơ thể con người, hai tâm thất chính là hai ngăn ở phần dưới của tim và chúng được phân cách nhau bởi vách ngăn. Trong đó phía bên trái của tim sẽ thường bơm máu với áp lực mạnh và chứa nhiều oxy (hơn so với bên phải) ra động mạch chủ để nuôi toàn cơ thể. Thông liên thất là tồn tại 1 hay nhiều lỗ nằm trên vách ngăn giữa hai tâm thất này. Nếu lỗ thông lớn có thể gây suy tim, tổn thương phổi không hồi phục và dẫn đến tử vong.

2. Biến chứng của bệnh thông liên thất

Thông thường, tâm thất trái chỉ bơm máu để đi nuôi cơ thể chúng ta còn tâm thất phải chỉ bơm máu lên phổi. Khi có lỗ thông giữa hai tâm thất này (hay còn gọi là thông liên thất) thì một số lượng máu lớn sẽ chứa nhiều oxy đi từ bên trái qua bên phải.

Lượng máu lớn này sẽ lên phổi và trở về nhĩ trái và thất trái sẽ gây ra giãn các buồng tim trái này. Thêm vào đó, lượng máu lớn lên phổi lâu ngày sẽ làm tăng áp động mạch phổi và gây tổn thương phổi không hồi phục.

Có những trường hợp vị trí lỗ thông liên thất nằm ngay dưới van động mạch chủ làm van này bị hở do lá van bị sa bởi dòng máu qua lỗ thông có tốc độ cao. Thường thì điểm yếu sẽ nằm tại xoang Valsava của động mạch chủ và đặc biệt có thể gây nên thủng van làm bệnh nhân suy tim nhanh hơn và phải phẫu thuật sớm.

Ngoài ra, lỗ thông liên thất còn dễ gây tổn thương lớp màng trong cùng của tim khiến cho các bệnh nhân này dễ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hơn so với những người bình thường.

3. Phương pháp điều trị bệnh thông liên thất Bệnh thông liên thất: Biến chứng và phương pháp điều trị - ảnh 1

Bệnh thông liên thất thường gặp ở trẻ nhỏ

Diễn tiến của các thể thông liên thất rất đa dạng. Do đó, việc điều trị sẽ cần phải dựa vào những yếu tố như: huyết động, tuổi, tổn thương giải phẫu, áp lực động mạch phổi, đáp ứng của người bệnh với điều trị nội.

Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị chính gồm: phẫu thuật tim hở và can thiệp đóng thông liên thất qua da.

Hiện nay, FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) chỉ cho phép thực hiện can thiệp đóng thông liên thất qua da trên những bệnh nhân có lỗ thông nhỏ phần cơ, ở mỏm hay sau biến chứng nhồi máu cơ tim.

Chỉ định đóng lỗ thông bằng phẫu thuật tim hở tùy thuộc vào vị trí, kích thước lỗ thông, bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, hay có bệnh lý Tim bẩm sinh khác đi kèm.

4. Những lưu ý cho bệnh nhân bị bệnh thông liên thất

Những bệnh nhân có lỗ thông liên thất nhỏ thì hoàn toàn có thể tự theo dõi kết hợp với đến khám bác sĩ định kỳ 6 tháng đến 1 năm/1 lần. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy tim hay tăng áp động mạch phổi thì hãy đến khám bác sĩ sớm hơn.

Do bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện viêm nội tâm mạc, nên khi cần làm những thủ thuật răng miệng hãy dùng kháng sinh dự phòng.

Còn với phụ nữ đang trong lứa tuổi sinh nở có lỗ nhỏ và không có dấu hiệu tăng áp động mạch phổi thì nguy cơ diễn tiến bệnh nặng khi Mang thai là khá thấp.

Ngay cả khi phụ nữ mang thai có thông liên thất và tăng áp động mạch phổi nhẹ đến trung bình thì bệnh nhân vẫn có thể mang thai bình thường. Trước khi có ý định Mang thai hãy trao đổi bệnh lý với bác sĩ về những nguy cơ có thể xảy ra với mẹ và em bé.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung