Chuyển dạ khi sinh là một quá trình sinh lý hoàn toàn bình thường của thai phụ để giúp đưa thai và các phần phụ của thai ra ngoài cơ thể. Mỗi thai phụ sẽ có những biểu hiện chuyển dạ sắp sinh khác nhau và việc theo dõi các giai đoạn chuyển dạ sẽ giúp cho quá trình này được diễn ra an toàn và thuận lợi.
Quá trình chuyển dạ của một thai phụ sẽ gồm 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn khởi phát chuyển dạ này sẽ có sự xóa mở cổ tử cung (dạ con). Nó còn bao gồm pha tiềm tàng chuyển sang pha tích cực khi xuất hiện cơn co tử cung mau hơn, mạnh hơn thúc đẩy cổ tử cung xóa mở.
- Giai đoạn 2: Là khi rặn cho thai Nhi chào đời.
- Giai đoạn 3: Là khi rau sổ.
Ở giai đoạn đầu hay còn gọi là khởi phát chuyển dạ: Cổ tử cung của sản phụ có thể mở một cách chậm chạp, vì vậy nó dường như ít thay đổi. Ở giai đoạn chuyển dạ này, sự tiến triển chậm nên cơn co ngắn và khoảng cách giữa các cơn co kéo dài. Khi bước vào pha hành động của giai đoạn khởi phát chuyển dạ, cơn co dài hơn, mau hơn và mạnh hơn.
Đến cuối giai đoạn đầu của chuyển dạ thì thai phụ có thể cảm nhận tiến triển cuộc chuyển dạ đang diễn ra một cách dồn dập. Pha này chính là pha chuyển tiếp để cổ tử cung mở hết ra là 10 cm.
Giai đoạn 2: Là giai đoạn chuyển dạ khi sinh mang em bé được đẩy ra ngoài, biểu hiện chuyển dạ sắp sinh của thai phụ ở giai đoạn này cũng dồn dập và đau hơn, thai Nhi sẽ đi vào âm đạo (ống đẻ) và thai phụ sẽ rặn em bé ra để được lần đầu gặp nhau bên ngoài tử cung. Khi bé được sinh ra, bé sẽ được đặt lên bụng sản phụ và lau khô bằng khăn sạch sau đó đặt trực tiếp da kề da trên ngực mẹ.
Giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ khi sinh: Là giai đoạn bắt đầu từ khi bé được sinh ra kết thúc khi bánh nhau được sổ ra ngoài và tử cung của sản phụ trống rỗng nên sẽ co lại ngay sau sinh. Các cơn co thắt cũng sẽ nhận thấy nhưng yếu hơn so với lúc đầu. Nhau thai bong ra khỏi thành tử cung và di chuyển xuống âm đạo.
Trải qua quá trình chuyển dạ khi sinh vô cùng vất vả, đau đớn sẽ là niềm hạnh phúc vô bờ bến khi thấy em bé chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh.