Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Các phương pháp tán sỏi thận - tiết niệu

28/07/2021
Các phương pháp tán sỏi thận - tiết niệu

Sỏi thận - tiết niệu là bệnh lý thường gặp và có xu hướng gia tăng ở cả nam và nữ. Hiện nay, có nhiều phương pháp hiện đại, ít xâm lấn được áp dụng trong điều trị sỏi thận, tiết niệu. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng và đối tượng áp dụng cũng sẽ khác nhau.

Sỏi Thận - Tiết niệu là bệnh lý thường gặp và có xu hướng gia tăng ở cả nam và nữ. 

1. Phương pháp ít xâm lấn

1.1 Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Tán sỏi ngoài cơ thể là kỹ thuật sử dụng sóng xung động hoặc laser tác động từ bên ngoài cơ thể tại vùng có sỏi. Sóng xuyên qua bề mặt cơ thể, truyền trong môi trường nước, hội tụ tại viên sỏi, sỏi sẽ bị vỡ nhỏ. Sỏi được đẩy ra ngoài cơ thể nhờ các thuốc điều trị sỏi.

Ưu điểm:

Tán sỏi ngoài cơ thể ưu tiên áp dụng cho Sỏi thận < 2cm, niệu quản 1/3 trên, sau đó đến Sỏi niệu quản 1/3 dưới. Kết quả tán sỏi trung bình là 81% (50 - 99%).

Nhược điểm:

Tuy nhiên, tán sỏi ngoài cơ thể cũng có những nhược điểm nhất định như:

  • Không hiệu quả tán sỏi đối với sỏi rắn (sỏi oxalat canxi 1 phân tử nước), sỏi cystin.
  • Đối với sỏi lớn hơn 2 cm, hiệu quả kém, nhiều trường hợp phải tán lại 2 -3 lần. Tỷ lệ tán sỏi lại khoảng 27% (7,1% - 50%).
  • Khi phải tán lại 2 hoặc nhiều lần là một bất tiện cho bệnh nhân về kinh phí, thời gian và sức khỏe. Mảnh sỏi không đi hết, còn tồn lại tích tụ canxi làm sỏi tái phát to lên và khó di chuyển.
Các phương pháp tán sỏi thận - tiết niệu - ảnh 1
Kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể

1.2 Tán sỏi qua Nội soi niệu quản (ureteroscopy)

Tán sỏi qua nội soi niệu quản là kỹ thuật sử dụng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vụn viên sỏi và bơm rửa và gắp để lấy hết sỏi ra ngoài. Bao gồm hai Phương pháp:

  • Nội soi niệu quản sử dụng ống soi cứng hay bán cứng: Phương pháp này ưu tiên áp dụng cho Sỏi niệu quản 1/3 dưới, 1/3 giữa.
  • Nội soi niệu quản sử dụng ống soi mềm: Tán được sỏi niệu quản 1/3 trên, sỏi trong thận.

Ưu điểm:

Tán được mọi loại sỏi có kích thước < 20mm, bao gồm sỏi san hô. Phương pháp đơn giản, bệnh nhân có thể ra viện sau khoảng 12 - 24 giờ theo dõi.

Nhược điểm:

Không áp dụng với những bệnh nhân Hẹp niệu đạo hoặc đường niệu đang trong giai đoạn viêm, nhiễm khuẩn. Nguy cơ xảy ra biến chứng: thủng niệu quản (do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan), không đặt được ống nội soi để tiếp cận được vị trí có sỏi... Chi phí tán sỏi cao.

1.3 Nội soi lấy sỏi (laparoscopy)

Đây là phương pháp dùng nội soi qua phúc mạc hay sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản hay thận. Khi mới triển khai các phẫu thuật viên ưu tiên đi trong phúc mạc, nhưng gần đây chỉ phẫu thuật theo đường sau phúc mạc để tránh phải đi vào trong ổ bụng. Chỉ áp dụng cho sỏi niệu quản đoạn trên và sỏi bể thận. Tuy nhiên với sự phát triển của nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser với ống soi bán cứng hoặc ống soi mềm, chỉ định của Phương pháp này ngày càng thu hẹp.

1.4 Tán sỏi qua da

Tán sỏi qua da là kỹ thuật tạo một đường hầm nhỏ khoảng 6-10 mm, đường hầm này chạy từ ngoài da đi vào trong thận hoặc vị trí có sỏi. Sau đó sử dụng laser phá vỡ sỏi và hút sỏi nhỏ, vụn sỏi ra ngoài.

Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp sỏi bể và đài thận, ít khi áp dụng sỏi ở niệu quản gần sát với bể thận. Phương pháp này ưu tiên cho trường hợp sỏi phức tạp, có kết hợp với dị dạng đường niệu như hẹp cổ đài hay hẹp khúc nối bể thận niệu quản.

Ưu điểm:

Có thể lấy toàn bộ viên sỏi sau một lần can thiệp, phương pháp áp dụng được cả với những sỏi to.

Nhược điểm:

Đường hầm để cho ống nội soi xuyên vào vị trí sỏi có thể bị nhiễm trùng sau mổ hoặc quá trình tán kéo dài, có thể gây mất máu. Sau phẫu thuật có để lại sẹo. Phương pháp này tốn chi phí khá cao, sau phẫu thuật phải nằm lại viện khoảng 3-5 ngày.

2. Điều trị nội khoa

2.1 Điều trị nội khoa tống sỏi

Mục đích là hỗ trợ để bệnh nhân đái được ra sỏi. Áp dụng cho: Sỏi nhỏ có đường kính dưới 7mm, sỏi có hình thuôn, nhẵn; Sỏi chưa gây chưa gây biến chứng; Sỏi còn có nhiều khả năng di chuyển và tống ra ngoài theo đường tự nhiên; đường tiết niệu dưới sỏi đủ rộng.

2.2 Điều trị các triệu chứng hay các biến chứng

Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân: Không có chỉ định điều trị nội khoa tống sỏi; không có chỉ định hay không có điều kiện phẫu thuật, sử dụng các phương pháp ít sang chấn như: sỏi trong đài thận, Sỏi thận mà bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật hay làm các phương pháp ít sang chấn; Chuẩn bị bệnh nhân trước khi can thiệp bằng phẫu thuật hay các phương pháp ít sang chấn.