1. Triệu chứng điển hình của bệnh sởi
- Thời kỳ ủ bệnh: Từ 7-21 ngày (trung bình khoảng 10 ngày). Ít có triệu chứng hoặc chỉ Sốt nhẹ.
- Thời kỳ khởi phát (giai đoạn viêm long): Khoảng 2 - 4 ngày, trẻ thường Sốt cao, không chịu chơi, quấy khóc kèm theo viêm long đường Hô hấp trên, viêm kết mạc, Viêm thanh quản cấp. Có thể thấy các hạt Koplik màu trắng xám trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Thời kỳ toàn phát: Kéo dài 2 – 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 – 4 ngày trẻ bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, căng da thì biến mất, xuất hiện từ sau tai, gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và các chi, cả ở lòng bàn tay, bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần
- Thời kỳ hồi phục: ban nhạt màu rồi dần sang xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm và biến mất theo thứ tự mọc. Bệnh tự khỏi nếu không biến chứng. Có thể Ho kéo dài 1 – 2 tuần sau hết ban.
- Thể không điển hình: Trẻ có thể chỉ sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít và toàn trạng tốt. Thường dễ bỏ qua và dễ lây lan. Hoặc có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo
- Biến chứng: Viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, Viêm cơ tim, viêm tai giữa, mù lòa... Phụ nữ Mang thai dễ bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi...
2. Chăm sóc khi trẻ bị sởi
Để tránh những biến chứng của bệnh sởi ở trẻ, người nhà khi chăm trẻ bị Sởi cần tuân thủ những lưu ý dưới đây:
- Cho trẻ nằm trong phòng cách ly áp lực âm để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, khi ra viện vẫn phải cách ly đến khi khỏi hẳn.
- Hạn chế người vào thăm hỏi, tiếp xúc với trẻ nếu không thực sự cần thiết.
- Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang N95 (nếu chưa bị sởi) hoặc khẩu trang ngoại khoa. Nếu phải đưa trẻ ra khỏi phòng để khám chuyên khoa hoặc làm các thăm dò khác cần đeo khẩu trang cho trẻ. Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ
- Phối hợp dùng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt hoặc thuốc tăng cường sức đề kháng cho trẻ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế
- Vệ sinh mũi họng, Mắt hàng ngày cho trẻ bằng Dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ, tránh để trẻ gãi khi ngứa: Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm trong phòng tắm
- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả
- Tăng cường uống Vitamin A và các thức ăn chứa nhiều vitamin A như trứng, cá, rau có màu xanh thẫm, cà rốt, dầu gấc..
- Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt được hiệu quả cao trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi, mũi 1 từ 9 – 12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18 – 24 tháng.