Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Trẻ bị nhọt và cách chăm sóc

01/06/2021
Trẻ bị nhọt và cách chăm sóc

Mụn nhọt là tình trạng viêm nhiễm ở nang lông do vi khuẩn gây ra. Lúc đầu biểu hiện chỉ là nốt đỏ trên da, sau đó tổn thương lan rộng, sưng tấy, hóa mủ gây đau đớn nhiều cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

1. Mụn Nhọt là gì?

  • Một số trường hợp vi khuẩn có thể đi vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, tràn mủ màng phổi, màng tim, sốc nhiễm khuẩn...nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
  • Nhiều trường hợp trẻ không chỉ bị 1 nhọt mà nhiều nhọt, nếu nhiều nhọt hợp lại thành đám gọi là cụm nhọt. Nhọt lớn có thể được gọi là abcess.
  • Vị trí thường gặp của nhọt là: mặt, cổ, nách, vai, mông...
  • Nguyên nhân gây ra nhọt là do nhiễm vi khuẩn ngoài da. Thường gặp là do liên cầu và tụ cầu vàng...

2. Các yếu tố nguy cơ gây nhọt ở trẻ em

  • Tất cả các trẻ, kể cả trẻ khỏe mạnh đều có thể bị nhọt
  • Tuy nhiên những trẻ có các yếu tố nguy cơ sau sẽ có nguy cơ bị nhọt cao hơn, diễn biến có thể phức tạp và kéo dài hơn
  • Trẻ bị tiểu đường
  • Trẻ bị xây xước da, da nhiễm bẩn
  • Trẻ bị eczema
  • Trẻ bị Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (do dùng thuốc, hoặc do bệnh lý)
  • Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt
Trẻ bị nhọt và cách chăm sóc - ảnh 1
Trẻ em mắc bệnh tiểu đường tăng nguy cơ bị mụn nhọt

3. Khi nào cần đưa trẻ bị nhọt đi khám bác sĩ

  • Trẻ sốt
  • Nhọt tăng kích thước nhanh
  • Nhọt không hóa mủ, không thuyên giảm sau 2 ngày
  • Có nhiều nhọt hoặc nhọt to > 5 cm
  • Trẻ kêu đau nhiều
  • Trẻ có các bệnh lý là các yếu tố nguy cơ nhọt diễn biến nặng hơn như nêu ở mục trên
  • Vị trí bị nhọt ở gần mắt
  • Nếu có 1 trong các dấu hiệu nêu trên thì cần đưa trẻ đi khám sớm.

4. Cách chăm sóc trẻ bị nhọt tại nhà

  • Hầu hết các trường hợp bị nhọt nếu không có các dấu hiệu như đã nêu ở mục trên thì các mẹ có thể chăm trẻ tại nhà
  • Khi nhọt đã lên đầu và hóa mủ, dùng 1 chiếc khăn sạch nhúng nước ấm đặt lên trên nhọt và ép nhẹ, làm như vậy vài lần trong ngày sẽ giúp mủ được dẫn lưu ra ngoài nhanh hơn. Cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với nhọt
  • Không cho trẻ đụng chạm và gãi cào vào nhọt. Luôn rửa tay cho trẻ sạch sẽ
  • Khi nhọt đã vỡ, dùng gạc và dung dịch sát khuẩn betadin vệ sinh sạch sẽ, lau sạch mủ và máu được dẫn lưu ra
  • Tuyệt đối không được nặn mạnh nhọt khi chưa hóa mủ vì có thể gây đau nhiều cho trẻ và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu
  • Nếu nhọt càng ngày càng to ra, trẻ đau nhiều... cần đưa trẻ đi khám sớm
Trẻ bị nhọt và cách chăm sóc - ảnh 2
Khi trẻ bị nhọt trên đầu, tránh dùng tay tiếp xúc với nhọt để ngăn ngừa nhiễm trùng

5. Điều trị trẻ bị nhọt

  • Kháng sinh: kháng sinh thường được chỉ định trong trường hợp trẻ sốt, nhiều nhọt, nhọt to, đau nhiều, ngoài ra các Bác sĩ có thể kết hợp với Xét nghiệm máu để đánh giá mức độ và lựa chọn kháng sinh hợp lý. Khi đã dùng kháng sinh cần theo chỉ định của Bác sĩ và dùng đủ ngày, tránh trường hợp ngừng quá sớm gây tái phát và kháng thuốc.
  • Chích rạch và dẫn lưu:
  • Trong nhiều trường hợp chỉ dùng kháng sinh là không đủ, các Bác sĩ sẽ chỉ định chích rạch nhọt để dẫn lưu mủ ra ngoài.
  • Trường hợp này trẻ cần được nhập viện để làm thủ thuật chích rạch mủ
  • Trẻ sẽ được giảm đau trong lúc làm thủ thuật
  • Các Bác sĩ sẽ rạch nhọt để lấy hết mủ, chất tiết ra ngoài và vệ sinh sạch. Sau đó nhọt sẽ được dùng gạc băng lại
  • Sau thủ thuật trẻ cần nằm viện theo dõi 1 vài hôm, dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
  • Luôn phải giữ băng nhọt khô sạch. Các cô điều dưỡng sẽ kiểm tra băng hàng ngày và thay băng khi có chỉ định.
  • Trường hợp trẻ bị Nhiễm khuẩn huyết nặng, sốc nhiễm trùng, tràn mủ màng phổi, màng tim...cần được nhập viện ngay lập tức, điều trị tích cực tại khoa hồi sức của Bệnh viện.
Trẻ bị nhọt và cách chăm sóc - ảnh 3
Kháng sinh là một phương pháp điều trị nhọt phổ biến