1. Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra và có đến hơn 200 loại virus có thể gây ra tình trạng này, một trong những loại virus phổ biến nhất là Rhinovirus. Chính vì do các loại virus gây ra nên không thể dùng kháng sinh để điều trị bệnh.
Thông thường, trẻ bị cảm lạnh sẽ tự khỏi và không cần phải đến khám bác sĩ. Nhưng với điều kiện là bé phải có một thể trạng mạnh khỏe. Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch kém, trẻ nhỏ bị suy giảm miễn dịch có thể gặp phải biến chứng nếu không biết xử trí đúng cách và kịp thời.
2. Dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh?
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường bị 8 đến 10 lần cảm lạnh mỗi năm trước khi chúng tròn 2 tuổi. Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo có khoảng 9 lần cảm lạnh mỗi năm. Thanh thiếu niên và người lớn mắc cảm lạnh từ 2 đến 4 lần mỗi năm.
Mùa lạnh kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 hoặc tháng 4, vì vậy trẻ em thường bị ốm thường xuyên nhất trong những tháng này.
Trẻ bị cảm lạnh thường có các dấu hiện sau:
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi
- Mệt mỏi. Trẻ quấy khóc, kém chơi
- Sốt
- Nôn trớ
- Ho
Trẻ bị cảm lạnh có thể tự khỏi trong 7-10 ngày nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn nhiều, không thể ăn uống, tình trạng cảm lạnh sẽ nặng hơn và lâu khỏi.
3. Nguyên nhân khiến trẻ nôn nhiều khi bị cảm lạnh?
Nôn là tình trạng thức ăn bị đẩy mạnh ra khỏi dạ dày qua đường miệng thông qua sự co thắt đột ngột của cơ bụng.
Các nguyên nhân sau khiến trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều:
- Ho nhiều: khi Ho các cơ vùng bụng và ngực của trẻ co thắt lại, làm tăng áp lực trong ổ bụng, ép vào dạ dày. Điều này khiến trẻ dễ bị nôn hơn.
- Nuốt nhiều nước mũi, đờm vào dạ dày: trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi chưa biết xì mũi hay khạc đờm, thường nuốt tất cả dịch mũi họng vào. Điều này khiến dạ dày luôn trong trạng thái căng và đầy hơi, dễ khiến trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều.
- Khóc: trẻ quấy khóc nhiều cũng khiến trẻ dễ bị nôn.
- Ngoài ra, thói quen bắt trẻ ăn nhiều hơn để mau khỏi bệnh của cha mẹ cũng gây ảnh hưởng tâm lý và dễ gây nôn cho trẻ bị cảm lạnh.
4. Những biến chứng có thể gặp khi trẻ bị cảm lạnh
Một số biến chứng trẻ nhỏ có thể gặp phải khi bị cảm lạnh:
- Viêm tai cấp tính: Đây là một biến chứng thường gặp. Nếu bé bị cảm lạnh mà không được xử trí đúng cách sẽ có thể dẫn tới viêm tai.
- Lên cơn hen suyễn: Cảm lạnh cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc thở khò khè, tức ngực. Đối với cơ địa dị ứng có tiền sử hen thì cảm lạnh dễ làm khởi phát cơn hen, những triệu chứng của cảm lạnh cũng sẽ kéo dài hơn. Cha mẹ cần phải chú ý chăm sóc trẻ bị Hen suyễn cẩn thận hơn trong mùa lạnh.
- Viêm họng: Tình trạng cảm lạnh dẫn đến Viêm họng thường gặp ở những trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi. Một số dấu hiệu cảnh báo như đau họng, sưng họng đỏ amidan, hay xuất hiện nốt nhỏ, màu đỏ vùng vòm họng,...
- Viêm xoang: Cảm lạnh thông thường không đáng ngại, nhưng cũng có thể làm tắc nghẽn xoang mũi, từ đó tạo điều kiện cho virus có cơ hội được sinh sôi, phát triển trong dịch mũi và dần dẫn tới viêm xoang, nhiễm trùng xoang mũi.
- Viêm phổi: Trong trường hợp bé gặp phải những triệu chứng như Sốt cao, đổ mồ hôi, ớn lạnh,... mẹ cần phải đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
5. Cách xử trí khi trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều cha mẹ cần biết?
Trẻ nôn nhiều gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều đầu tiên khi xử lý trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều là cha mẹ phải giữ được thái độ bình tĩnh để quan sát các biểu hiện của trẻ.
5.1. Cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu con bạn có các biểu hiện sau:
- Nôn bắt đầu một cách dữ dội.
- Nôn thường xuyên và liên tục.
- Nôn ra dịch mật, máu hoặc phân.
- Không thể ăn uống hay bú mẹ.
- Nôn nhiều kèm Sốt cao trên 38,5 độ C.
- Nôn kèm biểu hiện của mất nước: môi khô, mắt trũng, khát nước, da khô.
- Hoặc có kèm bất kì tình trạng nặng khác như co giật, li bì khó đánh thức, thở nhanh...
Trên đây là những dấu hiệu nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.
5.2. Xử trí tại nhà trong các trường hợp nhẹ
Nếu tình trạng nôn khi trẻ bị cảm lạnh là nhẹ, không xuất hiện các biểu hiện ở trên, các bậc phụ huynh cần làm những việc sau:
- Bù nước và điện giải: Nôn nhiều khiến trẻ mất một lượng lớn thức ăn và dịch dạ dày, dẫn đến thiếu nước và điện giải. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước hoặc uống dung dịch oresol theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên cho trẻ uống từng ít một, vì uống nhiều cũng dễ gây nôn nhiều hơn cho trẻ.
- Nghỉ ngơi: Hãy để em bé của bạn được nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế các hoạt động thể lực. Tâm lý thư giãn làm giảm kích thích và có thể hạn chế nôn.
- Ăn nhẹ và chia nhỏ các bữa ăn: Cha mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo thịt băm, chuối, bánh mì mềm... Hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo hay gia vị vì chúng khiến trẻ nôn trớ nhiều hơn. Các bữa ăn nên được chia nhỏ để trẻ không ăn quá no.
- Không cho trẻ ăn trong vòng 30-60 phút sau khi nôn
- Cho trẻ ăn ngay sau khi nôn càng làm tình trạng nôn tồi tệ hơn. Cha mẹ cần hạn chế thức ăn cho trẻ vào thời điểm này để hạn chế tình trạng nôn của trẻ.
- Làm giảm các triệu chứng cảm lạnh
Khi cảm lạnh khỏi thì tình trạng nôn trớ cũng sẽ hết. Cảm lạnh có thể tự khỏi trong 7-10 ngày nếu trẻ được chăm sóc tốt.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ và ấm áp cho trẻ.
- Rửa mũi thường xuyên cho trẻ bằng Dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Hạ sốt bằng chườm ấm toàn thân cho trẻ. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C và có hướng dẫn của bác sĩ.
- Rửa tay cho cả nhà để hạn chế lây lan virus.
- Không sử dụng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ từ 06 tháng trở lên và nhắc lại hàng năm
6. Cách phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ như thế nào?
Virus cảm lạnh cũng có thể lây lan từ người này sang người khác qua vật trung gian. Chúng có thể sống trên vật trung gian khoảng vài tiếng. Vì thế, cần phải hạn chế để trẻ sờ vào các vật dụng mà nhiều người có thể chạm vào như tay nắm cửa, lan can cầu thang, điều khiển,…
Rửa tay: Đây là cách rất tốt để phòng nhiều bệnh do virus, vi khuẩn gây ra, trong đó có bệnh cảm lạnh. Mẹ nên dạy cho con cách giữ vệ sinh trước mỗi bữa ăn bằng cách rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt cần phải rửa tay đúng cách mới có thể mang lại tác dụng diệt khuẩn tốt và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Khi phát hiện trẻ bị cảm lạnh không nên để trẻ tiếp xúc với trẻ khác hoặc những người khác để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Dạy trẻ cách che miệng khi hắt hơi, Ho và xì mũi bằng khăn giấy. Sau khi hắt hơi, ho, mẹ nên nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
Trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Cha mẹ của trẻ cần giữ một thái độ bình tĩnh để có những chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu có bất kì vấn đề nghiêm trọng nào hoặc có thể đặt câu hỏi cho bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng Bcare.vn