1. Chụp cắt lớp vi tính khảo sát huyết động học khối u (CT perfusion) chỉ định trong trường hợp nào?
Chụp cắt lớp vi tính hay còn gọi là Chụp CT là kỹ thuật sử dụng tia X với những lát cắt ngang để khảo sát các bộ phận trong cơ thể. Hệ thống chụp liên kết với máy tính, các thuật toán và bộ xử lý trên máy tính giúp tạo ra các hình ảnh 2D, 3D để phục vụ việc chẩn đoán.
Với các máy chụp cắt lớp vi tính thế hệ mới, có thể dễ dàng tích hợp vào kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính khảo sát huyết động khối u (CT perfusion). Đây là kỹ thuật giúp cung cấp những dấu hiệu chỉ điểm về tăng sinh mạch trong khối u và phản ánh tình trạng các mạch máu trong khối u. Chụp cắt lớp vi tính tạng khảo sát huyết động khối u giúp bác sĩ có thêm thông tin về hình ảnh trong bệnh lý ung thư, không chỉ hữu ích trong chẩn đoán, mà còn giúp đánh giá nguy cơ và theo dõi các khối u sau điều trị.
Chụp cắt lớp vi tính tạng khảo sát huyết động khối u chỉ định trong các trường hợp: bệnh lý khối u tạng lồng ngực, u ổ bụng, u tiểu khung. Do đây là kỹ thuật có tiêm thuốc cản quang nên kỹ thuật không thực hiện trong các trường hợp bệnh nhân suy thận, Dị ứng với thuốc cản quang, phụ nữ có thai,...
2. Chụp cắt lớp vi tính khảo sát huyết động khối u cần chuẩn bị những gì?
Ê-kíp thực hiện kỹ thuật gồm bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang, điều dưỡng
Các phương tiện cần có gồm:
- Máy chụp cắt lớp vi tính
- Máy bơm điện chuyên dụng
- Phim, cát-xét (bỏ), hệ thống lưu trữ hình ảnh
Ngoài ra, để tiêm thuốc cản quang, cần chuẩn bị các vật tư y tế và thuốc như: bơm tiêm, kim tiêm, bông, gạc phẫu thuật, thuốc cản quang, dung dịch sát khuẩn da, nước cất, nước muối sinh lý, hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc cản quang,...
Trước khi chụp, người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích kỹ về thủ thuật, các bước thực hiện để phối hợp với thầy thuốc. Tháo bỏ trang sức như vòng cổ, khuyên tai và các vật dụng kim loại trên người nếu có. Dặn người bệnh nhịn ăn, uống ít nhất giờ trước khi thực hiện. Có thể uống một lượng nhỏ nước, không quá 40ml. Nếu người bệnh quá kích thích, không nằm yên, bác sĩ có thể chỉ định thuốc an thần để giúp bệnh nhân thư giãn.
3. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính tạng khảo sát huyết động khối u
3.1. Chuẩn bị người bệnh
Bác sĩ xem xét hồ sơ bệnh án, tìm các dấu hiệu chống chỉ định tiêm thuốc cản quang i-ốt tĩnh mạch, đồng thời tham khảo các kết quả Chẩn đoán hình ảnh trước đó (nếu có). Điều dưỡng chuẩn bị đường truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân với kim 18G.
3.2. Các bước tiến hành kỹ thuật chụp cắt lớp khảo sát huyết động khối u (CT perfusion)
- Hướng dẫn người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, tay để trên đầu.
- Tiến hành chụp các lát cắt trước tiêm toàn thể ổ bụng (lồng ngực, tiểu khung,...) tùy theo vị trí khối u. Thời điểm chụp ở cuối thì thở ra.
- Bác sĩ xem xét đánh giá sơ bộ khối u về vị trí, mật độ, kích thước,... Sau đó chọn các lát cắt khu trú khoảng 2cm vào vị trí có đường kính lớn nhất của khối u. Thực hiện các lát cắt sau tiêm khu trú vào vùng đã chọn, bệnh nhân nín thở ở cuối thì thở ra, với tốc độ 1 giây cho một lần cắt, độ dày lát cắt 5-10mm, kéo dài khoảng 25-30s trong một lần nhịn thở. Tốc độ tiêm thuốc cản quang 6ml/s, liều lượng thuốc từ 40-70ml tùy theo bộ phận thăm khám.
- Sau khi chụp, dữ liệu hình ảnh sẽ được chuyển sang máy tính có phần mềm đo đạc, lập bản đồ tưới máu, dựng biểu đồ ngấm thuốc.
- Bác sĩ đo đạc các vị trí khối u ngấm thuốc mạnh nhất để so sánh với biểu đồ ngấm thuốc của động mạch chủ và nhu mô tạng phần còn lành.
Chụp cắt lớp vi tính tạng khảo sát huyết động học khối u nếu được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho hình ảnh hiển thị rõ các cấu trúc giải phẫu trong vùng thăm khám, giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương nếu có. Nếu người bệnh không giữ Bất động trong quá trình chụp phim hoặc không bộc lộ rõ nét hình ảnh,... kết quả thu được không phục vụ tốt cho việc chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện lại. Trong suốt quá trình chụp cắt lớp vi tính tạng khảo sát huyết động học khối u, ê-kíp thực hiện sẽ theo dõi chặt chẽ người bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu Dị ứng với thuốc cản quang và xử lý kịp thời.