Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP hay không?

22/06/2021
Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP hay không?

Tầm soát ung thư gan để phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh là việc rất nên làm, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao phát triển thành ung thư gan. Một trong những xét nghiệm góp phần tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư gan quan trọng là xét nghiệm AFP (Alpha -Fetoprotein).

1. Xét nghiệm AFP là gì?

Trong số các dấu ấn Ung thư gan và các xét nghiệm trong bệnh lý về gan hiện nay thì xét nghiệm định lượng AFP trong máu đã được ứng dụng trong công tác tầm soát Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC - hepatocellular carcinoma) - loại ung thư gan Nguyên phát phổ biến nhất ở người lớn và là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở những người bị xơ gan. Xét nghiệm định lượng AFP đo nồng độ protein AFP trong máu nhằm cung cấp cho các bác sĩ những thông tin quan trọng trong công tác tầm soát ung thư gan.

Thông thường, nồng độ AFP trong máu tăng lên đến khi em bé được sinh ra và giảm nhanh chóng sau đó. Ở những trẻ em khỏe mạnh và người trưởng thành khỏe mạnh và không mang thai thường có nồng độ AFP trong máu rất thấp, không vượt quá 10 nanogam trên 1 mililit máu (ng/ml). Sự gia tăng bất thường nồng độ AFP khi bạn không Mang thai cho thấy một dấu hiệu không bình thường đang xảy ra trong cơ thể.

Tuy nhiên, nếu nồng độ AFP cao hơn mức bình thường thì không có nghĩa là bạn đang mắc phải các vấn đề về sức khỏe, bởi vì cũng có trường hợp một số người có nồng độ cao hơn so với những người khác, khi đó cần làm thêm các xét nghiệm khác chuyên sâu hơn để tầm soát và chẩn đoán.

Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP hay không? - ảnh 1
Xét nghiệm định lượng AFP nhằm phát hiện sớm các bệnh lý về gan

2. Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP hay không?

AFP là một glycoprotein có một chuỗi đơn trong phân tử, trọng lượng phân tử 70kDa và Carbohydrate chiếm 5%. AFP được tổng hợp chính ở gan trong giai đoạn phôi thai và túi noãn hoàng, rồi vào dịch ối, đi qua rau thai và vào máu mẹ. Vào năm đầu đời, khi mới sinh, trẻ sơ sinh có nồng độ AFP trong máu tương đối cao, có thể giảm xuống mức thấp thông thường ở người trưởng thành. Ở người lớn khỏe mạnh, nồng độ AFP Huyết thanh là 0 - 7ng/mL. Nồng độ AFP Huyết thanh 20ng/mL là giá trị cắt (cut-off) thường được sử dụng nhất là để tầm soát bệnh nhân có và không có HCC. Xét nghiệm AFP có độ nhạy 41 - 65% và độ đặc hiệu 80 - 90% khi phát hiện HCC với giá trị cắt là 20ng/mL.

AFP huyết thanh có sự tỉ lệ thuận một cách có ý nghĩa với kích thước của khối u HCC và có thể được sử dụng như một dấu ấn có giá trị để phát hiện HCC và đánh giá phân loại giai đoạn của bệnh. Theo khuyến cáo của Hội nghiên cứu gan châu Á - Thái Bình Dương (Asian Pacific Association for the Study of the Liver -APASL) và Mạng lưới ung thư quốc gia Mỹ (National Comprehensive Cancer Network - NCCN) thì khi bệnh nhân có nguy cơ cao bị HCC cần chỉ định thực hiện làm xét nghiệm AFP kết hợp siêu âm định kỳ sau 6 tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế ở một số bệnh nhân không bị ung thư gan nhưng có khi xét nghiệm AFP lại có nồng độ AFP tăng, ví dụ những bệnh nhân bị bệnh gan mạn, bệnh lý viêm gan, xơ gan, u quái tinh hoàn, phụ nữ có thai. Bên cạnh đó cũng có một số bệnh nhân ung thư gan nhưng khi làm xét nghiệm AFP lại không tăng.

Do vậy, các nhà khoa học đã và đang tiếp tục nghiên cứu về các chỉ số giúp chẩn đoán ung thư gan hiệu quả hơn và kết quả, các tác giả Nhật Bản đã phát hiện hai chỉ chỉ số quan trọng giúp phát hiện thư gan sớm khác là AFP L3 và DCP (Des-gamma-carboxy prothrombin), DCP còn được gọi là PIVKA II (protein induced by vitamin K absence or antagonists II).

Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP hay không? - ảnh 2
Phát hiện ung thư gan sớm qua xét nghiệm AFP L3 và DCP