1. Tay chân miệng là bệnh gì?
Tay chân miệng là một bệnh Truyền nhiễm do virus gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, xuất hiện Mụn nước tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.
Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất. Đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi, bởi đây là độ tuổi trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo - những nơi có yếu tố sinh hoạt tập thể, nguy cơ lây truyền bệnh cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thanh thiếu niên và người lớn cũng bị mắc bệnh này.
Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở khắp các địa phương, tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam. Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
2. Bệnh tay chân miệng nguyên nhân từ đâu?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột gây ra và lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa người bình thường với người bị nhiễm bệnh qua:
- Dịch tiết ra ở mũi hoặc dịch tiết họng khi trò chuyện;
- Nước bọt, dịch tiết nước bọt;
- Chất lỏng từ Mụn nước khi vỡ ra;
- Ở nơi không khí đông người sau khi người bệnh Ho hoặc hắt hơi.
Bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc họ Enterovirus gây ra. Người bệnh được xác định là nhiễm tay chân miệng khi Xét nghiệm dương tính với virus Coxsackievirus A từ 2 đến 8, 10, 12, 14, 16; Coxsackievirus B 1, 2, 3, 5; Enterovirus 71- Tay chân miệng EV71.
Khi nhiễm virus tay chân miệng người bệnh sẽ có những biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Các trường hợp biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng thường do EV71 gây ra nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong như viêm Não - màng não, Viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Virus tay chân miệng sống được bao lâu?
Theo các chuyên gia Y tế cho biết virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong phân của người bệnh tới 4 tuần sau khi người bệnh đã chấm dứt các triệu chứng. Chính vì điều này, tuyệt đối không được chủ quan để tránh lây nhiễm mầm bệnh.
3. Biện pháp phòng ngừa
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh răng miệng cho trẻ; Rửa tay cho trẻ trước khi ăn; Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch trước khi chế biến, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ; Thực hiện ăn chín, uống sôi;
- Cha mẹ không cho trẻ đến lớp khi con nhiễm bệnh, chỉ cho trẻ đến lớp khi các vết Loét miệng và phỏng nước đã hết hoàn toàn;
- Sử dụng Cloramin B 2% làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác trẻ thường xuyên sử dụng. Ngâm, tráng nước sôi với các dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc trước khi ăn, sử dụng.
Hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh chân tay miệng cho trẻ, cha mẹ khi phát hiện triệu chứng bệnh ở trẻ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.